Kiểu con người trong tiểu thuyết quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Bài viết tập trung bàn về kiểu con người trong tiểu thuyết, đó là “con

người cô đơn” và “con người tha hương”. Trên cơ sở đó chúng tôi đề xuất nhận định

của bản thân về sự đóng góp của các kiểu con người trong tiểu thuyết Quyên. Đồng

thời chúng tôi cũng khái quát sự vận động của tiểu thuyết đương đại Việt Nam, trong

cái nhìn quy chiếu qua tiểu thuyết Quyên để thấy được những điểm nổi bật về phương

diện con người trong tiểu thuyết hải ngoại.

Kiểu con người trong tiểu thuyết quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ trang 1

Trang 1

Kiểu con người trong tiểu thuyết quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ trang 2

Trang 2

Kiểu con người trong tiểu thuyết quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ trang 3

Trang 3

Kiểu con người trong tiểu thuyết quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ trang 4

Trang 4

Kiểu con người trong tiểu thuyết quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ trang 5

Trang 5

Kiểu con người trong tiểu thuyết quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ trang 6

Trang 6

pdf 6 trang minhkhanh 6660
Bạn đang xem tài liệu "Kiểu con người trong tiểu thuyết quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Kiểu con người trong tiểu thuyết quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Kiểu con người trong tiểu thuyết quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ
124 
KIỂU CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT QUYÊN 
CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN THỌ 
SV. Nguyễn Minh Việt 
TS. Nguyễn Thị Kim Tiến 
Tóm tắt. Bài viết tập trung bàn về kiểu con người trong tiểu thuyết, đó là “con 
người cô đơn” và “con người tha hương”. Trên cơ sở đó chúng tôi đề xuất nhận định 
của bản thân về sự đóng góp của các kiểu con người trong tiểu thuyết Quyên. Đồng 
thời chúng tôi cũng khái quát sự vận động của tiểu thuyết đương đại Việt Nam, trong 
cái nhìn quy chiếu qua tiểu thuyết Quyên để thấy được những điểm nổi bật về phương 
diện con người trong tiểu thuyết hải ngoại. 
1. Mở đầu 
Trong những năm gần đây, với xu hướng toàn cầu hóa, nền văn học nước nhà 
đã có những bước phát triển nhất định không chỉ về phương diện nội dung mà còn ở 
nghệ thuật. Đặc biệt hơn, văn học hải ngoại đã có những đóng góp không nhỏ trong sự 
phát triển ấy. Chính vì thế, dòng văn học mang tên hải ngoại những năm gần đây có 
những bước chuyển mình đáng ghi nhận của các tác giả như: Thuận, Phan Việt, Đoàn 
Minh Phượng, Lê Minh Hà, Nguyễn Văn Thọ Những điều họ viết thường là nỗi 
lòng của những con người Việt khi rời khỏi lãnh thổ hình chữ S với tâm trạng nhớ quê 
hương, đất nước, nhớ nơi chôn nhau cắt rốn Tất cả làm họ viết nên những trang văn 
mang đậm cảm thức tha hương. 
Quyên là cuốn tiểu thuyết hay của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà văn hải ngoại 
đang sống và làm việc tại cộng hòa Đức. Xoay quanh cuốn tiểu thuyết là một khúc bi 
ca về những phận người. Với lối dẫn chuyện khá hấp dẫn, đầy ắp chi tiết đời sống và 
hơi thở đắng cay, lãng mạn của hiện thực, Quyên của Nguyễn Văn Thọ thực sự đã 
mang đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ về tiểu thuyết hậu hiện đại. Kết cấu 
nghệ thuật trong tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ rất đặc biệt. Có thể 
nói đây là một trong những biểu hiện thành công của nền văn học Việt Nam đương đại 
về phương diện nghệ thuật. Qua nghiên cứu tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn 
Văn Thọ, chúng tôi thấy có hai kiểu con người xuất hiện phổ biến và xuyên suốt tác 
phẩm là “con người cô đơn” và “con người tha hương”. 
2. Nội dung chính 
Văn học nghệ thuật là phương tiện chính thể hiện cái nhìn về con người. Tiểu 
thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ tái hiện bức tranh khốc liệt về số phận đầy biến cố 
của những người xa xứ. Bài viết này tập trung khảo sát hai dạng thức cơ bản của con 
người trong tiểu thuyết Quyên, nơi biểu hiện rõ nhất cách nhìn, những quan niệm, suy tư 
của nhà văn về con người. Từ đó góp phần giúp độc giả khám phá và lí giải một cách rõ 
nét hơn quan niệm nghệ thuật về con người, nhữngthông điệp thẩm mĩ - nghệ thuật của 
tiểu thuyết Nguyễn Văn Thọ trong dòng chảy của tiểu thuyết Việt Nam ở hải ngoại. 
Qua quá trình khảo sát tác phẩm, chúng tôi nhận thấy có hai kiểu thức con 
người xuất hiện phổ biến và xuyên suốt tác phẩm là “con người cô đơn” và “con người 
tha hương”. 
125 
2.1. Con người cô đơn 
Với tư cách là một người nghệ sĩ mang trong mình vốn hiểu biết của một người 
từng trải, Nguyễn Văn Thọ đã tạo cho mình một tiếng nói riêng trên văn đàn hải ngoại. 
Là một người nghệ sĩ tha hương, tâm hồn của ông đã chạm đến miền thẳm sâu, đầy bí 
ẩn trong tâm trạng và bản thể của mỗi con người. Trạng thái tâm lí thường xuất hiện 
trong đời sống nhân vật là nỗi cô đơn và tuyệt vọng trong tâm hồn. 
Có thể nói, con người cô đơn là sản phẩm của xã hội hiện đại. Ngay từ sau năm 
1975 đất nước được hòa bình thống nhất, văn học không còn khám phá con người ở 
phương diện mang tính cộng đồng, thay vào đó là sự lên ngôi của cái tôi cá nhân, các 
nhà văn lúc này chuyển ngòi bút quan tâm từng số phận con người. Đặc biệt hơn, cô 
đơn trong gia đình là bi kịch đắng cay nhất của mỗi con người. Bởi lẽ, gia đình là mái 
ấm là nơi nuôi dưỡng hạnh phúc. Thế nhưng, chính cuộc sống tấp nập vội vã của cuộc 
sống hiện đại, con người dường như vô tình để quên gia đình, thậm chí họ từ bỏ gia 
đình vốn có để đi tìm một hướng đi mới vì cuộc sống mưu sinh. Đó cũng chính là 
nguyên nhân khiến cho con người rơi vào cảm thức cô đơn lạc lõng. 
Khi Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn Tướng về hưu, tác giả đã cho thấy một 
hiện trạng về con người cô đơn trong chính gia đình, chính xã hội đang thay đổi từng 
ngày. Ông Nguyễn Thuấn là một vị tướng có uy lực trong quân đội, vào những ngày 
cuối đời ông về hưu và trở về với cuộc sống đời thường bên người thân. Từ chính cuộc 
sống ấy, ông đã chứng kiến bao chuyện đau lòng trong gia đình, họ hàng, xa hơn nữa 
là một xã hội ông đang sống. Ông cảm thấy cuộc sống này quả thật không phù hợp với 
ông, mặc dù ông đã cố gắng hòa nhập nhưng ông đành bất lực. Luân lí đạo đức mà ông 
suốt đời trân trọng, yêu quý và luôn giữ bên mình để răn dạy con cháu, điều mà ông 
cho rằng cần thiết với tất cả mọi người thì người đời lại bỏ đi, không thèm để ý đến. 
Đặc biệt hơn, người con trai của ông lại hèn nhát trước tên Khổng, người luôn dùng 
thơ ca buông lời chọc ghẹo vợ của mình. Do đó ngôi nhà được xem là mái ấm lại trở 
thành sự cô đơn lạnh lẽo, không có tiếng cười, tình thương và hạnh phúc. Xét ở một 
phương diện nội dung, con người trong tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn 
VănThọ cũng không nằm ngoài cảm thức đó. 
Quyên là một cô gái trẻ đẹp, vì muốn thay đổi cuộc sống, đã cùng chồng là 
Dũng vượt biên sang Đức với mong muốn được đổi đời. Thế nhưng chính cuộc ra đi 
này đã làm cho Quyên chịu đựng bao bi kịch tan vỡ gia đình và đó cũng chính là 
nguyên nhân dẫn đến nỗi cô đơn trống vắng trong lòng người xa xứ. Ngay ở những 
chương đầu của tiểu thuyết, tác giả đã để Quyên bước vào tác phẩm với một vẻ đẹp 
cuốn hút. Thế nhưng bên cạnh vể đẹp ngoại hình thì Quyên cũng mang trong người sự 
cô đơn lạnh lẽo của cõi lòng. Đó là khi cô đi tìm chồng, trong đêm đầu hai người gặp 
lại nhau bao hy vọng được hạnh phúc bên chồng tan biến. Thay vào đó là sự đối xử 
lạnh nhạt vì cái thai trong bụng của Quyên. Suốt cả đêm, cả hai đều không ngủ, Quyên 
chủ động đưa tay ôm choàng lấy chồng nhưng đều bị Dũng hất ra và dùng những lời 
phũ phàng: “Cô chửa với thằng nào?” [3, 67]. Lòng ghen tuông là sự biểu hiện của 
cung bậc tình cảm của con người. Nếu như ai đó đã từng đọc sử thi Ramayana thì sẽ 
càng hiểu rõ hơn về vấn đề này. Hoàng tử Rama là một vị vua minh quân, là một 
người anh hùng lí tưởng của con người Ấn Độ, có nguồn gốc xuất thân từ đẳng cấp 
vương công quý tộc. Nhưng trong người của chàng cũng tồn tại mọi cung bậc của tình 
cảm, vẫn ghen tuông và nghi ngờ Sita khi nàng ở trong tay quỷ vương Ravana quá lâu. 
Ở đây sự ghen tuông của Dũng đã làm cho Quyên rơi vào cảm thức cô đơn không lối 
126 
thoát. Bởi lẽ bao hy vọng tìm chồng, được chung sống hạnh phúc bên chồng giờ đây 
đối với Quyên là một thứ xa vời không với tới. Trong lòng Quyên lúc này như dao cắt, 
dường như con người ta lâm vào hoàn cảnh khốn cùng thì họ sẽ nghĩ đến cái chết. 
Vâng, thật đúng như vậy Quyên đã nghĩ đến cái chết. Trong đêm tối với niềm tuyệt 
vọng vây bủa lấy cô làm cho Quyên tự kết liễu đời mình, may mà được Kumar cứu 
sống. Nỗi cô đơn trong Quyên còn xuất hiện khi cô nhớ đến quê nhà. Đó còn là nỗi cô 
đơn của một người con xa quê. Những lúc buồn Quyên chợt nhớ lại những ngày còn ở 
Hà Nội bên người thân, ngồi cạnh mẹ già. Giờ nhớ lại sao cô cảm thấy mình cô đơn 
lạc lõng quá, khó mà tìm lại được cuộc sống như ngày xưa. 
Không chỉ thế, sự cô đơn của con người còn được thể hiện qua nhân vật Phi. 
Phi là một con người vốn hiền lành, chính sự hiền lành ấy mà Thị - vợ của anh chỉ xem 
Phi là một cái bóng nhạt nhòa núp sau vợ. Cuối cùng Phi trở thành một sản phẩm của 
sự yếu hèn. Trong Phi lúc nào cũng khao khát hạnh phúc một gia đình thực sự. Niềm 
khao khát ấy là nỗi cô đơn bám sâu vào Phi làm cho anh không cách nào thoát ra được. 
Anh cưu mang mẹ con Quyên với tình thương của một người đồng hương, nhưng 
chính tình thương ấy khi sống chung trong nhà đã làm cho anh nảy sinh tình cảm. Để 
rồi bao khát khao hạnh phúc trào dâng trong đêm tối và cảnh làm tình diễn ra, đối với 
Quyên thì cô chỉ xem đây là một sự trả ơn chứ không có một tình cảm nào với Phi. 
Trong khi đó, Hùng, một nhân vật xuất hiện đầu tác phẩm đã tạo một dấu ấn 
khá sâu đậm trong lòng độc giả với sự thể hiện con người bản năng đầy ham muốn. 
Hùng là một con người sống theo bản năng, chỉ mong chiếm đoạt Quyên về mặt thể 
xác. Thế nhưng trong con người anh cũng tồn tại những suy nghĩ lo âu về một kiếp 
người. Trong cuối cuộc đời mình Hùng nhận ra rằng chỉ có niềm hạnh phúc và yêu 
thương thật sự mới làm cho con người ta thoát khỏi cô đơn. Hùng tâm sự: “lúc đi tây, 
người ta ham hố, thích thú lắm. Càng sống lâu, khi mọi việc trở nên nhàm, mới thấy 
con người cần nhiều thứ khác còn lớn hơn vật chất. Phải, giá như có tiền, tôi ở Việt 
Nam với mẹ và em trai tôi” [3, 24]. Tâm sự của Hùng chất chứa nỗi niềm của một con 
người từng trải, đã lăn lộn với đời bao nhiêu năm, anh nhận ra một điều quý giá ở đời. 
Đó là sự thật về giấc mộng làm giàu của những người tha hương mà chỉ người trong 
cuộc mới có thể hiểu được. Nếu như trước đây Hùng coi vật chất là đích đến cuối cùng 
và hy vọng khi bước chân đến phương Tây có thể đem lại cho anh được điều đó, thì 
nay, cuộc sống của kẻ đi buôn tội lỗi, ngày ngày xuyên qua những mảnh rừng, đối mặt 
với những cạm bẫy khắc nghiệt nhất của cuộc sống đã nhiều lúc khiến anh thấy kiệt 
sức, thấy nhớ da diết về gia đình và anh nhận ra rằng con người ở đời không nên chỉ 
mãi lo cho cuộc sống về mặt vật chất mà phải nghĩ đến tình thương, đặc biệt là tình 
thương ruột thịt. Tình cảm ấy nó còn lớn hơn cả vật chất. Vật chất - tình thương, là hai 
thứ rất cần thiết, nó cứ luẩn quẩn trong vòng xoáy cuộc sống mỗi người, không sao 
tách ra được, nhất là đối với những thân phận tha phương cầu thực thì cái vòng luẩn 
quẩn ấy càng khó tìm được lối thoát chung. 
Không phải kiểu con người cô đơn đến văn học đương đại mới được nhắc đến 
nhưng nó lại được thể hiện rõ hơn cả trong văn học đương đại. Chắc có lẽ cuộc sống 
tấp nập vội vã của nền văn hóa tiêu dùng đã làm cho con người rơi vào cảm thức cô 
đơn khó giãy bày cùng ai. Trong mỗi tác phẩm, kiểu con người này được thể hiện một 
cách khác nhau, nhưng nỗi cô đơn trong văn học hải ngoại là nỗi cô đơn khắc sâu vào 
tâm trạng nhân vật một cách mãnh liệt, làm cho họ không thể nào thoát ra được. 
127 
2.2. Con người tha hương 
Văn học là nơi phản ánh sinh động nhất, đầy đủ nhất những quan niệm về con 
người trong một thời đại lịch sử nhất định. Thật đúng với câu nói của nhà văn 
M.Gorki: “Văn học là nhân học”. Ông cho rằng, văn học không chỉ mang chức năng 
giáo dục con người, hướng con người đến sự hoàn thiện chân thiện mỹ. Mà văn học 
còn cung cấp cho người đọc nhiều mảnh đời, nhiều số phận khác nhau để cho người 
đọc tự nhận thức cuộc sống cần con người khám phá. 
Văn học thời chiến, con người được đặt trong mối tương quan với vận mệnh 
lớn lao của dân tộc. Văn học đề cao tinh thần đoàn kết của dân tộc trong công cuộc 
dấu tranh bảo vệ đất nước. Động lực chủ yếu làm nên văn học lúc bấy giờ là xem văn 
chương là vũ khí lợi hại của mặt trận đấu tranh. Không ít tác phẩm, các nhà văn cách 
mạng đã thể hiện cuộc sống thời chiến, với những suy nghĩ và hành động mang đậm 
dấu ấn anh hùng ca. Đến văn học thời hậu chiến đã đánh dấu những thay đổi trong 
nhận thức về con người. Đó chính là con người được nhìn nhận ở nhiều vị thế và trong 
tính đa chiều của mọi mối quan hệ. Văn học thời kỳ này đã có những bước đột phá về 
nội dung và cả nghệ thuật, cũng như những quan niệm về con người cũng từ đó mà có 
sự thay đổi rõ nét. Tất cả đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của tiến 
trình văn học. 
Ở văn học hiện đại, với sự ảnh hưởng của những học thuyết phương Tây, cá 
tính con người được đề cao. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến nền văn học 
Việt Nam, con người bước vào văn học với một diện mạo mới, con người được văn 
học phản ánh dưới phương diện đời tư thế sự một cách chân thực và sinh động. 
Trong tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, với dung lượng hơn 
bốn trăm trang sách nhưng đã mang đến cho người đọc một cái nhìn rõ nét về những 
biến cố của cuộc sống mưu sinh của người Việt di dân tới Đức và sự phát triển đáng 
ghi nhận của nền văn học hải ngoại. Điều đặc biệt cuốn tiểu thuyết mang lại cho người 
đọc là sự thể hiện rõ nét từng số phận khác nhau của những con người tha hương trong 
hành trình tìm kiếm miếng cơm manh áo qua ngòi bút giàu xúc cảm, đầy trăn trở của 
Nguyễn Văn Thọ. 
Những mộng tưởng về cuộc sống giàu sang nơi xứ người bây giờ đã tan biến. 
Thay vào đó là sự đỗ vỡ của hạnh phúc, của cảnh chia li đau buồn mà mà Quyên phải 
nếm trải. Là một thân phận tha hương bấy lâu, trong tang lễ của Hùng vừa xong. 
Quyên suy nghĩ về sự sống và tình cảm như một sự đúc kết kinh nghiệm của bản thân. 
“Cuộc sống, suy cho cùng, suy cho cùng là cái gì nhĩ? Suốt cả đời, sao cứ phải biền 
biệt, phải đau khổ, vật lộn, mưu mô, khó nhọc Để rồi cuối cùng, nếu muốn trở về 
đất nước, tất cả, ai ai cũng chỉ còn lại một nắm tro tàn tí tẹo teo kia? Có lẽ cuộc sống 
càng hoang lạnh hơn, nếu khi chết đi chẳng để lại một chút tình cảm nào cho một ai đó 
còn đang sống trên thế gian này” [3, 390]. Suy nghĩ của Quyên chất chứa nỗi niềm của 
một kẻ đã nghiệm ra một điều quý giá trên đời. Một sự thật nếu không đi nhiều, không 
từng trải, không sống phiêu dạt nơi đất khách thì khó mà nhận ra được. Quyên nhận ra 
rằng, con người sống trên đời mang tính quy luật của sự hữu hạn. Cuộc đời con người 
là gì sao cứ lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, thậm chí có thể vì cuộc sống mưu sinh mà 
làm những chuyện tội lỗi như buôn thuốc lậu, dẫn đường như Hùng. Để rồi một ngày 
kia, con người già theo năm tháng, phải đối diện với thực tại của cái chết, phải trở về 
với cát bụi. Đặc biệt hơn là tình cảm của người ra đi và kẻ ở lại sẽ như thế nào nếu con 
128 
người chết đi mà chẳng có người thân bên cạnh. Qua những suy nghĩ của nhân vật 
Quyên, Nguyễn Văn Thọ muốn gửi gắm đến độc giả một thông điệp về quan niệm 
sống ở đời. Cuộc sống là một quãng thời gian hữu hạn, cũng như con người trong cuộc 
hành trình tha hương. Mặc dù bạn là con người như thế nào? Đã làm ra những lỗi lầm 
gì đi chăng nữa? Nhưng bạn sống tốt, biết hướng đến ánh sáng của tình thương thì 
chắc hẳn bạn sẽ nhận được những giọt nước mắt từ phía người thân khi bạn không 
may ngã xuống. 
Bên cạnh đó, con người tha hương còn được thể hiện qua nhân vật Dũng, anh là 
một tiến sĩ trẻ trong nước. Anh ra đi với bao nhiêu niềm tin và hy vọng của cuộc sống 
giàu sang, thì Dũng lại nhận lấy bấy nhiêu sự tuyệt vọng chán chường của một thanh 
niên tri thức: “Xưa, anh hy vọng biết bao nhiêu, về một vị trí xứng đáng đợi chờ anh ở 
thế giới phương Tây đầy hấp dẫn, thì ngay sau vài tuần nhập trại, anh thất vọng bấy 
nhiêu. Con người ta phải có công việc, một nhà khoa học tương lai như anh càng cần 
có công việc, thế mà bao ngày rồi, anh trở thành kẻ vô công rồi nghề. Bằng cấp, học vị 
tiến sĩ của anh, giờ đây chỉ là mớ giấy lộn. Kiến thức và những khát khao, tiền đồ của 
anh chỉ là sự phù phiếm. Một sự chờ đợi mệt mỏi, vô vọng!” [3, 69]. Vậy là, bao nhiêu 
năm chí thú học hành nghiêm chỉnh, giờ đây vô hình trung, anh cũng đồng hạn với 
những kẻ chỉ mơ ước đủ miếng cơm manh áo, những con người tha hương nơi đất 
khách. Đặc biệt hơn là sự ra đi của vợ là một cú sốc quá lớn trong con người anh. Tất 
cả đã làm một người thanh niên tri thức như Dũng lâm vào những cơn say men rượu, 
đánh mất đi bản tính vốn có của một người tri thức. Từ đây, chúng ta có thể nhận thấy 
hình tượng con người Dũng là sự khái quát hóa cao độ của nhà văn về tính bi kịch của 
người tri thức hiện đại. Đó chính là những con người vốn có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến 
sĩ nhưng vẫn là một cái bóng dưới đáy xã hội cơ chế thị trường. Vẫn không tìm được 
một công việc cho phù hợp với tài năng thực sự. Đó là sự “thừa nghề thiếu thợ” mà 
người đời ta vẫn nói. Nếu như nhân vật Hộ trong tác phẩm Đời thừa của nhà văn Nam 
Cao là sự khái quát tính bi kịch tinh thần của người thanh niên trí thức trước cách 
mạng tháng Tám, với mong muốn tạo ra những kiệt tác văn chương để đời. Thế nhưng 
vì miếng cơm manh áo, Hộ phải viết vội, viết cẩu thả tạo ra những tác phẩm mà anh 
không mong muốn thì ở đây, Dũng là một tiến sĩ nhưng anh sống ích kỷ, bị động. Vì 
thế, khi quyết định tìm đến “vùng đất hứa” để thay đổi cuộc đời mình thì những tấm 
bằng ấy chỉ là tờ giấy lộn, chỉ là những mảnh đời dưới đáy xã hội. Đến đây, ta thấy 
tính bi kịch của người trí thức ở mỗi thời đại sẽ có sự biểu hiện khác nhau. Nhưng họ 
lại có một điểm chung là, những con người trí thức, có trình độ và tài năng nhưng lại 
rơi vào bi kịch tinh thần, không được xã hội trọng dụng, lại rơi vào bi kịch mưu sinh 
cơm áo gạo tiền. 
Có thể nói con người tha hương là một trong những kiểu nhân vật làm nên tên 
tuổi của dòng văn học hải ngoại. Trong mỗi thời kỳ và trong mỗi tác phẩm thì kiểu con 
người này lại có những biểu hiện khác nhau theo quan niệm riêng của người nghệ sĩ. 
Với Nguyễn Văn Thọ, ông thể hiện con người tha hương như một cảm thức chủ đạo để 
gửi đến độc giả nỗi niềm của người xa xứ, của hàng vạn trái tim luôn hướng về quê nhà. 
3. Kết luận 
Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế, ngày càng nhiều những tác phẩm 
hải ngoại được giới thiệu đến bạn đọc một cách nồng nhiệt. Tiểu thuyết Quyên của nhà 
văn Nguyễn Văn Thọ thật sự tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc trên văn đàn nghệ 
thuật nói chung và tiểu thuyết hải ngoại nói riêng. Sự hấp dẫn mà cuốn tiểu thuyết 
129 
mang lại không chỉ ở lối kết cấu nghệ thuật tài tình của nhà văn mà nó còn là sự khái 
quát hóa về cuộc đời của những người Việt tha hương nơi đất khách, sống cơ cực, tủi 
nhục, không lối thoát, bế tắc mọi ước mơ, hy vọng về tương lai. Đồng thời tác phẩm 
cũng là một khúc “tráng ca” ca ngợi niềm tin, tình thương yêu giữa người với người, 
trong hoàn cảnh sống tối tăm, tình người vẫn luôn tỏa sáng dìu dắt con người qua 
muôn nỗi đắng cay. Đó còn là sự nhìn nhận về con người như chính nỗi lòng của nhà 
văn. Trong cuộc sống vội vã tấp nập của lối sống hiện đại đôi lúc con người ta rơi vào 
cảm thức cô đơn khó giải bày. Thông qua tác phẩm nhà văn muốn gửi gắm đến chúng 
ta một thông điệp vật chất và hạnh phúc là những thứ rất cần ở mỗi con người. Nhưng 
không nên quá xem nặng vật chất mà đôi lúc đánh mất đi hạnh phúc mà mỗi cá nhân 
vốn được hưởng. 
Tài liệu tham khảo 
[1]. Hà Minh Đức (chủ biên) (2008), Lý luận văn học, NXB Giáo dục. 
[2]. Nhiều tác giả (2002), Đổi mới tư duy nghệ thuật tiểu thuyết, NXB Hội nhà văn, 
Hà Nội. 
[3]. Nguyễn Văn Thọ (2011), Quyên, NXB Hội Nhà văn. 
[4]. Nguyễn Huy Thiệp (2003), Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, NXB Văn học. 
[5]. Phương Lựu (chủ biên) (2004), Lý luận văn học, NXB Giáo dục. 
[6]. Trần Đình Sử (1998), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, NXB Giáo dục. 

File đính kèm:

  • pdfkieu_con_nguoi_trong_tieu_thuyet_quyen_cua_nha_van_nguyen_va.pdf