Nghiên cứu đề xuất các hình thức cảnh báo tác hại của thuốc lá trên bao bì sản phẩm
Năm 2012, Trung tâm truyền thông GDSK thành phố Đà Nẵng đã tiến hành Nghiên
cứu hình ảnh cảnh báo tác hại trên bao bì thuốc lá với mục tiêu mô tả thực trạng về tình
hình in cảnh báo trên bao thuốc và đề xuất về các hình thức in cảnh báo trên bao thuốc
một cách hiệu quả. Bằng phương pháp phỏng vấn sâu kết hợp với quan sát các hình thức
in cảnh báo sức khoẻ trên các vỏ bao thuốc lá. Kết quả cho thấy Việt Nam chưa thực hiện
đúng cam kết thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá về việc in cảnh báo bằng
hình ảnh tác hại thuốc lá trên bao bì sản phẩm. Quy định bắt buộc về in lời cảnh báo bằng
tiếng Việt trên vỏ bao thuốc lá tại Việt Nam có từ năm 1996. Tuy nhiên việc in cảnh báo
sức khoẻ vẫn chỉ mới bằng lời và hầu hết đều dừng ở mức 30% vỏ bao thuốc lá. Trong
khi đó, một số nước trên thế giới in hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá có
hiệu quả rất lớn trong việc cảnh báo tác hại của thuốc lá
Trang 1
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tóm tắt nội dung tài liệu: Nghiên cứu đề xuất các hình thức cảnh báo tác hại của thuốc lá trên bao bì sản phẩm
39 NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT CÁC HÌNH THỨC CẢNH BÁO TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRÊN BAO BÌ SẢN PHẨM BSCKI. Võ Thu Tùng Trung tâm Truyền thông GDSK thành phố Đà Nẵng Tóm tắt nghiên cứu Năm 2012, Trung tâm truyền thông GDSK thành phố Đà Nẵng đã tiến hành Nghiên cứu hình ảnh cảnh báo tác hại trên bao bì thuốc lá với mục tiêu mô tả thực trạng về tình hình in cảnh báo trên bao thuốc và đề xuất về các hình thức in cảnh báo trên bao thuốc một cách hiệu quả. Bằng phương pháp phỏng vấn sâu kết hợp với quan sát các hình thức in cảnh báo sức khoẻ trên các vỏ bao thuốc lá. Kết quả cho thấy Việt Nam chưa thực hiện đúng cam kết thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá về việc in cảnh báo bằng hình ảnh tác hại thuốc lá trên bao bì sản phẩm. Quy định bắt buộc về in lời cảnh báo bằng tiếng Việt trên vỏ bao thuốc lá tại Việt Nam có từ năm 1996. Tuy nhiên việc in cảnh báo sức khoẻ vẫn chỉ mới bằng lời và hầu hết đều dừng ở mức 30% vỏ bao thuốc lá. Trong khi đó, một số nước trên thế giới in hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá có hiệu quả rất lớn trong việc cảnh báo tác hại của thuốc lá. 1. Đặt vấn đề Theo kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) tại Việt Nam vào năm 2010, Việt Nam có 47,4% nam, 1,4% nữ và 23,8% người trưởng thành đang hút thuốc lá; trong đó có 81,8% người hút thuốc hàng ngày và 26,9% người hút thuốc lào. Đồng thời, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở Việt Nam cũng rất cao với 67,6% người bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà và 49% người bị phơi nhiễm tại nơi làm việc. Khói thuốc cũng là nguyên nhân của 40.000 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, nếu không có các biện pháp ngăn chặn thì đến năm 2020, 10% dân số Việt Nam sẽ tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh nhằm đảm bảo quyền của những người tiêu dùng được biết về các thông tin chính xác về sản phẩm mà họ sử dụng, những hậu quả đối với sức khoẻ, tính gây nghiện và nguy cơ chết người từ việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, có tác dụng giáo dục sức khoẻ cho cộng đồng kể cả đối với những người có trình độ học vấn thấp hoặc không biết chữ. Đây là biện pháp truyền thông có hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho nhà nước và là xu thế chung trên thế giới. Mặc dù Việt nam đã có những quy định cụ thể về việc in cảnh báo trên vỏ bao thuốc lá, song các quy định này đã thực hiện đến đâu? thực trạng hình ảnh cảnh báo trên vỏ bao thuốc lá như thế nào? Giải pháp nào phù hợp nhất? để trả lời cho các câu hỏi trên chúng tôi tiến hành “Nghiên cứu đề xuất các hình thức cảnh báo tác hại của thuốc lá trên bao bì sản phẩm“. 40 2. Mục tiêu nghiên cứu 1. Mô tả thực trạng về tình hình in cảnh báo trên vỏ bao thuốc lá. 2. Đề xuất về các hình thức in cảnh báo trên vỏ bao thuốc một cách hiệu quả. 3. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu 3.1. Thời gian, địa điểm nghiên cứu - Thời gian: Tháng 10 năm 2012. - Địa điểm: Thành phố Đà Nẵng. 3.2. Đối tượng nghiên cứu - Đại diện chính quyền các cấp của tỉnh Đà Nẵng. - Đại diện các sở ban ngành có liên quan đến nghị quyết 12/NQ-CP và quyết định 1315/QĐ-TTg. - Đại diện các hàng quán, các quầy bán thuốc lá lẻ, các đại lý thuốc lá, nơi công cộng trong nhà. - Các tổ chức chính trị xã hội. - Vỏ bao thuốc lá các loại. 3.3. Phương pháp thu thập thông tin - Nghiên cứu các văn bản pháp luật và các kết quả đã nghiên cứu liên quan đến in cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá. - Phỏng vấn sâu đại diện chính quyền các cấp, đại diện các sở ban ngành có liên quan đến nghị quyết 12/NQ-CP và quyết định 1315/QĐ-TTg, đại diện các hàng quán (cafê, quán ăn, nhà hàng), các quầy bán thuốc lá lẻ, các đại lý thuốc lá, nơi công cộng trong nhà (sân vận động, nhà ga, bến xe, rạp chiếu bóng, ). Đã thực hiện 36 cuộc phỏng vấn sâu. - Thảo luận nhóm trọng tâm các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội các cấp. 10 cuộc thảo luận nhóm trọng tâm (nhóm 8 -10 người) đã được thực hiện - Quan sát thu thập các hình thức in cảnh báo sức khoẻ trên các vỏ bao thuốc lá, việc treo dán các quy định về thuốc lá Địa điểm quan sát: các điểm bán thuốc lẻ, các đại lý (mua mẫu bao thuốc lá). 4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận 4.1. Tình hình thực hiện in cảnh báo sức khoẻ trên vỏ bao thuốc lá ở các nước trên thế giới và một số nước trong khu vực 4.1.1. Trên thế giới Công ước khung về kiểm soát thuốc lá bắt buộc các nước ký cam kết phải thực hiện quy định về in cảnh bảo bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá. 41 Theo kết quả thống kê mới nhất của Vinacosh, hiện tại, đã có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã áp dụng quy định in cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá. Việc in cảnh báo bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá đã được nhiều nước thực hiện một cách nghiêm túc và đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần thay đổi cả về nhận thức và hành vi của những người hút thuốc lá. Cảnh báo sức khỏe của Canada Tại Canada, nơi đã sử dụng cảnh báo hình ảnh từ nhiều năm nay, khoảng một nửa số người hút thuốc cho biết hình ảnh đó làm họ nghĩ nhiều hơn về tác hại thuốc lá và muốn cai thuốc, 1/6 cho biết đã ít nhất một lần cất bao thuốc đi vì không muốn người khác nhìn thấy lời cảnh báo. 4.1.2. Tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á Singapore: in cảnh báo bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc vào năm 2004, chỉnh sửa và thêm hình ảnh vào năm 2006. Diện tích cảnh báo bao gồm cả hình ảnh và chữ đã chiếm 50% mặt trước và sau của vỏ bao thuốc. Trên hình ảnh cảnh báo nước này còn cho in cả số điện thoại hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Kết quả nghiên cứu tại nước này cũng cho thấy, hình ảnh cảnh báo đã làm cho khoảng 2/3 số người hút thuốc biết nhiều hơn về tác hại thuốc lá, 1/2 hút ít đi và 1/4 có thêm quyết tâm bỏ thuốc. Thái Lan: Từ cuối tháng 3-2005, Thái Lan đã qui định in ảnh các tệ hại của những bệnh nhân do hút thuốc và dòng chữ cảnh báo trên một nửa mỗi vỏ bao thuốc lá nhằm khuyến cáo nguy cơ nhiễm các bệnh ung thư và tim mạch. Năm 2009, Thái Lan đã chỉnh sửa và đưa ra 9 hình ảnh cảnh báo sức khoẻ bắt buộc phải in trên nhãn bao thuốc lá. Tại Thái Lan, kể từ khi áp dụng in hình ảnh lên nhãn bao thuốc, 92% người hút đã muốn bỏ, 62% giảm hút. Gần 78% thanh niên nước này tiếp nhận thông tin về tác hại của thuốc lá qua nhãn bao thuốc, ngoài truyền hình ra không có kênh truyền thông nào khác bao phủ rộng như vậy. 42 Cảnh báo trên bao thuốc lá tại Thái Lan Malaysia: cũng đã thực hiện in cảnh báo bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc vào năm 2009, với diện tích cảnh báo là 40% mặt trước, 60% mặt sau. Trên hình ảnh cảnh báo nước này cũng cho in cả số điện thoại hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Brunây: bắt đầu in cảnh báo bằng cả hình ảnh và lời từ tháng 12/2008, với diện tích là 50% mặt trước và sau của vỏ bao thuốc lá. 4.2. Tình hình in cảnh báo sức khoẻ trên bao thuốc lá ở Việt Nam Quy định bắt buộc về in lời cảnh báo bằng tiếng Việt trên vỏ bao thuốc lá tại Việt Nam có từ năm 1996. Thực hiện các quy định của Chính phủ và Bộ Y tế, bắt đầu từ 1/4/2008. Tuy nhiên, lời cảnh báo sức khoẻ thường chỉ chiếm 2-2,5cm2 trong diện tích 150cm2 của vỏ bao; lại nằm ở phía bên cạnh vỏ bao thuốc và ở vị trí rất khó thu hút được sự chú ý của người hút. Chưa kể, câu cảnh báo: ''Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe'', chưa nêu được tác hại cụ thể của thuốc lá. Hiện tại thay bằng câu: “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” dòng chữ cảnh báo dù được đặt ở vị trí dễ nhìn hơn nhưng được in khá đơn giản. Nội dung cảnh báo chưa khẳng định rõ ràng, thủ phạm chính của ung thư là thuốc lá. Chữ “có thể” đã không thật sự gây tác động mạnh. Không ít người lầm tưởng rằng, hút thuốc lá chỉ có thể gây một căn bệnh ung thư và không gây ra các căn bệnh khác. Trong khi thực tế, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh hàng loạt các bệnh mà thuốc lá có thể gây ra như ung thư phế quản, các bệnh tim mạch, xuất huyết não, ung thư vòm họng, ảnh hưởng đến thai nhi... Hầu hết các Công ty thuốc lá trong nước đã thực hiện việc in cảnh báo sức khoẻ trên vỏ bao thuốc lá. Tuy nhiên, các quy định của Việt Nam cũng chỉ đưa ra 2 lời cảnh báo và không bắt buộc sử dụng luân phiên nên đã làm giảm đi hiệu quả khuyến cáo. Việc cứ in mãi một hai câu như thế trong thời gian dài sẽ khiến cho người tiêu dùng dễ nhàm chán và không còn để ý nữa. Trong khi các công ty thuốc lá lại tìm cách thay đổi mẫu mã 43 và màu sắc liên tục, với nhiều hình thức đẹp và bắt mắt. Nhiều hãng đưa ra các thông điệp hết sức lôi cuốn, quảng cáo trá hình, làm lu mờ đi câu cảnh báo trên bao thuốc. Trên thực tế, Việt Nam cũng đã sản xuất thuốc lá có in cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh trên các vỏ bao thuốc lá để xuất khẩu sang Singapore. Nội dung và diện tích cảnh báo tuân thủ theo đúng quy định của Singapore, tức 50% mặt trước và sau của vỏ bao thuốc. Năm 2007, Bộ Y tế đã có quyết định số 02/2007/QĐ-BYT ngày 15/01/2007 về vệ sinh an toàn đối với sản phẩm thuốc lá yêu cầu bắt buộc in cảnh báo về sức khỏe bằng chữ hoặc bằng hình ảnh trên diện tích tối thiểu là 30% của bề mặt trước và sau của vỏ bao thuốc lá. Bộ Y tế cũng đưa ra 5 mẫu cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh đi kèm với các dòng chữ: "Hút thuốc gây ung thư phổi", "Hút thuốc có hại cho thai nhi và trẻ nhỏ", "Hút thuốc gây chảy máu não", "Hút thuốc gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính", "Hút thuốc lá gây hôi miệng và hỏng răng". Mỗi mẫu cảnh báo trên phải được in luân phiên 2 năm một lần trên vỏ bao thuốc lá. 5 mẫu cảnh báo của BYT Song những hình ảnh cảnh báo này đã không được thực hiện vì sau đó Chính phủ ban hành Nghị định 119/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2007 quy định: về cảnh báo sức khoẻ thì chỉ dùng một trong hai câu: "Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi" hoặc "Hút thuốc lá có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”. 44 - Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam (Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg), bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2010, in nội dung lời cảnh báo sức khỏe chiếm khoảng 50% diện tích của mỗi vỏ bao thuốc lá. - Theo quy định của Công ước Khung thì: trong vòng 3 năm kể từ khi ký tham gia công ước, chính phủ nước đó phải thực hiện việc in cảnh báo về sức khoẻ trên vỏ bao thuốc lá; và phải đảm bảo chiếm 50% hoặc lớn hơn diện tích trưng bày chính nhưng không được nhỏ hơn 30% của các diện tích trưng bày chính của bao thuốc; có thể dưới hình thức chữ, hình ảnh hoặc cả chữ và hình ảnh. Tuy nhiên cho đến nay, các quy định này đều chưa được thực hiện, việc in cảnh báo sức khoẻ vẫn chỉ mới bằng lời và hầu hết đều dừng ở mức 30% diện tích vỏ bao thuốc lá. Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường Việt Nam còn xuất hiện rất nhiều các loại thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả. Theo kết quả quan sát từ nghiên cứu này, nhiều loại thuốc lá lậu hoặc giả đang được bày bán tại các điểm bán thuốc lá lẻ hoặc được nhiều người mang đi bán dạo tại các quán nhậu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Một số mẫu bao thuốc lá mua được từ một người bán thuốc lá dạo ở Đà Nẵng Hầu hết trên vỏ bao của những loại thuốc lá này đều không in lời cảnh báo sức khoẻ theo quy định hiện hành của nước ta. 4.3. Ý kiến của người dân về in cảnh báo sức khoẻ trên vỏ bao thuốc lá: Năm 2009, Bộ Y tế đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Trợ giúp Phát triển Cộng đồng tiến hành “Đánh giá hiệu quả của hệ thống cảnh báo sức khỏe hiện tại in trên vỏ bao thuốc lá ở Việt Nam”. Nghiên cứu được tiến hành trên 1.200 người dân tại 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, chỉ có 39% nhớ được nội dung cảnh báo “hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi”; 5,9% nhớ được nội dung cảnh báo “hút thuốc lá có thể gây bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính”; 54% số người hút thuốc lá không hề quan tâm tới ảnh hưởng sức khỏe khi nhìn lời cảnh báo sức khỏe. Hơn một nửa số người được hỏi cho rằng, lời cảnh báo hiện tại trên vỏ bao thuốc lá 45 chưa nói hết tác hại do thuốc lá gây ra; 60% số người hút thuốc lá nói rằng lời cảnh báo hiện tại không có tác dụng làm cho họ muốn bỏ thuốc. Nhiều ý kiến đều cho rằng cảnh báo bằng chữ và hình ảnh phải chiếm 50% đến 70% diện tích mặt chính của vỏ bao thuốc mới mong người hút “giật mình” mỗi khi cầm điếu thuốc. Kết quả phỏng vấn sâu cá nhân và thảo luận nhóm nhóm từ nghiên cứu này cũng cho thấy, hầu hết ý kiến đều cho rằng: việc in cảnh báo trên vỏ bao thuốc hiện nay mới chỉ thực hiện bằng chữ chứ chưa có hình ảnh cụ thể. Lời cảnh báo vẫn mang tính chung chung, chưa cụ thể và chưa đủ mạnh. “Việc cảnh báo trên bao thuốc tôi thấy vẫn chưa có mấy người sợ, họ biết là ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng họ vẫn hút“. Người bán quán cà phê “Thuốc lá nhập có cả hình ảnh, ở mình chưa thấy, chỉ thấy có mấy câu, hình như 2 câu thì phải“. Chủ một đại lý thuốc lá “Lời cảnh báo vừa dài dòng, vừa chưa cụ thể, vừa chưa đủ mạnh“. Thảo luận nhóm Hội Nông dân huyện Hoà Vang “Lời cảnh báo còn nhẹ quá, chưa đủ sức cảnh báo so với độ đẹp của bao thuốc“... Lãnh đạo Trung tâm Thể thao Đà Nẵng Nhiều ý kiến cũng cho rằng: việc in cảnh báo trên bao thuốc có tác dụng nhất định đến hành vi của người hút thuốc lá. Nếu tiếp tục in lời cảnh báo bằng chữ thì phải có nội dung cụ thể, rõ ràng, chỉ rõ tất cả những tác hại do thuốc lá gây ra. Nên bỏ đi 2 từ "có thể" vì nó làm cho câu cảnh báo không đủ sức răn đe. Và nhất là nên sớm đưa cảnh báo bằng hình ảnh trên bao thuốc như các nước trên thế giới. "Tôi có thấy một bao thuốc lá ở Mỹ có câu đại loại như “Hút thuốc lá sẽ làm bạn gái chia tay bạn”... biện pháp cảnh báo tác hại thuốc lá trên bao thuốc có thể có hiệu quả, vì vậy cần duy trì nhưng cải tiến thêm cách cảnh báo“... Thảo luận nhóm Hội Nông dân huyện Hoà Vang "Tôi thấy chưa đủ sức răn đe người hút thuốc, nếu thay chữ “có thể” trong câu “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” thành chữ “sẽ” thì hiệu quả hơn". Người bán quán cà phê "Việc cảnh báo trên bao thuốc lá cũng ít nhiều có tác động, cần phải in cảnh báo bằng các hình ảnh cho họ sợ hơn". Người bán quán cà phê "Chúng ta cần đưa các hình ảnh dễ gây sốc và sợ hơn". Lãnh đạo Trung tâm Thể thao Đà Nẵng 46 "Cần có hình ảnh như hình ung thư phế quản, hình phổi bị đốt cháy. Học theo tranh cổ động của WHO, gắn liền tác hại thuốc lá với thế hệ trẻ". Thảo luận nhóm Đoàn thanh niên quận Ngũ Hành Sơn 4.4. Luận điểm của các công ty thuốc lá Việc in cảnh báo bằng hình ảnh luôn vấp phải sự phản ứng từ các công ty sản xuất thuốc lá. Bằng nhiều lý do, họ cố biện minh và tìm đủ mọi cách trì hoãn việc in cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh. Theo nghiên cứu của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, các công ty thuốc lá đều cho rằng: - Ngành công nghiệp thuốc lá hàng năm đã đóng thuế cho nhà nước hàng tỷ USD. - Không có bằng chứng là cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh có tác dụng. - Việc thay đổi mẫu mã, in màu sẽ gây tốn kém khiến công nhân ngành này thất nghiệp. - Việc in cảnh báo bằng hình ảnh phải cần nhiều thời gian để thực hiện. - Quy định này là vi phạm quyền tự do ngôn luận và bản quyền nhãn hiệu. Tuy nhiên, hàng chục nghiên cứu trên Thế giới và tại Việt Nam đã cho thấy rằng, người hút thuốc lá đã đọc, hiểu rõ và thay đổi hành vi sau khi tiếp cận với các cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh mạnh. Việc in cảnh báo sức khỏe hình ảnh cũng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho các quốc gia, bởi vì "chỉ tính riêng 3 bệnh được lựa chọn trong nghiên cứu này thuốc lá gây ra khoảng 50% chi phí xã hội liên quan đến bệnh nhân nội trú và 804 tỷ đồng (khoảng 50 triệu đô la Mỹ), và 0,11% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hay 18% kinh phí chính phủ dành cho y tế và 19% kinh phí do các công ty thuốc lá đóng góp cho nhà nước". Các nước trên Thế giới cũng chỉ cần 6-9 tháng để thực hiện in cảnh báo bằng hình ảnh. Và đặc biệt, những nước với các hệ thống luật pháp khác nhau đã áp dụng qui định cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh mà không gặp những khó khăn pháp lý nào. 5. Đề xuất và kiến nghị 5.1. Đề xuất Từ kết quả nghiên cứu trên, chúng tôi xin đề xuất một số hình thức in cảnh báo tác hại của thuốc lá trên vỏ bao thuốc như sau: - In cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh chiếm ít nhất 50% diện tích 2 mặt chính của vỏ bao thuốc lá. - Sử dụng nhiều hình ảnh và thông điệp cảnh báo khác nhau. Điều này sẽ làm giảm sự nhàm chán và giúp cung cấp nhiều thông tin về tác hại của thuốc lá cho người tiêu dùng. - Sử dụng quay vòng các thông điệp và thường xuyên có sự đổi mới để gây sự tò mò và chú ý của cộng đồng. 47 - Nội dung thông điệp cần: Cung cấp thông tin toàn diện về tác hại sức khỏe. Các thông điệp khác nhau có tác động đến các đối tượng khác nhau. Có lời khuyên bỏ thuốc và số điện thoại hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. - Trước hết, nên áp dụng ngay 5 mẫu cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh đã được Bộ Y tế đưa ra theo quyết định số 02/2007/QĐ-BYT ngày 15/01/2007. 5.2. Kiến nghị 5.2.1. Đối với Trung ương - Cần nhanh chóng ban hành quy định và lộ trình thực hiện việc in cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá phù hợp với các khuyến cáo của Công ước Khung và xu thế chung của thế giới. - Có quy định và lộ trình thực hiện in cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh trên tất cả các sản phẩm có liên quan đến thuốc lá. - Dựa vào kinh nghiệm của các nước để xây dựng và áp dụng những hình ảnh cảnh báo sức khoẻ một cách hiệu quả nhất. Nên học tập và làm theo kinh nghiệm của Thái Lan, Malaysia, Singapore. - Cần ban hành các chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh. 5.2.2. Đối với thành phố - Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh. - Vận động các Công ty sản xuất thuốc lá đóng trên địa bàn thành phố đi tiên phong trong việc in cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh. - Kiểm soát chặt chẻ nguồn thuốc lá nhập lậu, tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức buôn bán các loại thuốc lá nhập lậu, các loại thuốc lá không in cảnh báo sức khoẻ. - Đẩy mạnh thông tin - tuyên truyền – giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và hành vi của người dân đối với việc in cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh. Làm sao cho mọi người tiêu dùng sản phẩm này đều biết được rằng: họ có quyền được biết toàn bộ sự thật về những tác hại của việc sử dụng thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc thụ động gây ra. Qua đó, giúp người dân bày tỏ sự ủng hộ việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Y tế, Tổng cục thống kê, Đại học Y Hà Nội, Nghiên cứu điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS) 2010. 48 2. Bộ Y tế, Trung tâm Nghiên cứu và Trợ giúp Phát triển Cộng đồng, Đánh giá hiệu quả của hệ thống cảnh báo sức khỏe hiện tại in trên vỏ bao thuốc lá ở Việt Nam 2009. 3. Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, (5/2007). 4. Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại thành phố Đà Nẵng (Ban hành kèm theo Quyết định số 1338/UBND-QĐ ngày 22/2/2010 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng). 5. Phạm Quỳnh Nga, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt nam, Nghiên cứu về cảnh báo sức khỏe hình ảnh trên bao bì thuốc lá 2009. 6. Nghị định số 119/2007/NĐ-CP ngày 18/7/2007 của Thủ tướng chính phủ quy định về sản xuất và kinh doanh thuốc lá (7/2007). 7. Vũ Xuân Phú (2005), Chi phí cho ba bệnh liên quan đến thuốc lá - Nghiên cứu chính sách phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam. 8. Quyết định 1315/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch thực hiên Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (8/20090. 9. Quyết định số 02/2007/QĐ – BYT ngày 15 tháng 1 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về Vệ sinh an toàn đối với sản phẩm thuốc lá. 10. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá. 2003.
File đính kèm:
- nghien_cuu_de_xuat_cac_hinh_thuc_canh_bao_tac_hai_cua_thuoc.pdf