Một số đặc điểm của yếu tố hán trong tiếng Nhật - Qua cách nhìn đối chiếu với yếu tố hán trong Tiếng Việt
Là nước nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, văn hóa chữ Hán,
trong quá trình tiếp xúc với đất nước này trên nhiều phương diện từ trong lịch sử cho đến
tận ngày nay, cũng giống như Việt Nam, Nhật Bản đều tiếp nhận vào trong hệ thống từ
vựng của mình lượng lớn các từ Hán, ở tiếng Nhật là âm, nghĩa và chữ viết; ở tiếng Việt
hiện đại là âm và nghĩa.
Đặc điểm và mức độ đồng hóa của lớp từ Hán trong cả hai ngôn ngữ có những điểm
chung nhất định bởi tính phổ quát của hiện tượng vay mượn từ vựng nói chung và một số
điểm gần nhau trong lịch sử tiếp xúc với dân tộc Hán, nền văn hóa Hán. Bên cạnh đó,
những đặc điểm khác biệt nảy sinh trong quá trình tiếp xúc, cùng với sự khác biệt mang
tính đặc thù về vị trí địa lí, điều kiện khí hậu, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, loại
hình ngôn ngữ . đã tạo ra nhiều nét khác biệt trên cả ba phương diện giữa hai lớp từ vay
mượn cùng nguồn gốc trong tiếng Nhật và tiếng Việt.
Trang 1
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số đặc điểm của yếu tố hán trong tiếng Nhật - Qua cách nhìn đối chiếu với yếu tố hán trong Tiếng Việt
TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 3/2016 30 MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA YẾU TỐ HÁN TRONG TIẾNG NHẬT - QUA CÁCH NHÌN ĐỐI CHIẾU VỚI YẾU TỐ HÁN TRONG TIẾNG VIỆT Trần Kiều Huế1 Trường Đại học Quốc gia Hà Nội Tóm tắt: Là nước nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, văn hóa chữ Hán, trong quá trình tiếp xúc với đất nước này trên nhiều phương diện từ trong lịch sử cho đến tận ngày nay, cũng giống như Việt Nam, Nhật Bản đều tiếp nhận vào trong hệ thống từ vựng của mình lượng lớn các từ Hán, ở tiếng Nhật là âm, nghĩa và chữ viết; ở tiếng Việt hiện đại là âm và nghĩa. Đặc điểm và mức độ đồng hóa của lớp từ Hán trong cả hai ngôn ngữ có những điểm chung nhất định bởi tính phổ quát của hiện tượng vay mượn từ vựng nói chung và một số điểm gần nhau trong lịch sử tiếp xúc với dân tộc Hán, nền văn hóa Hán. Bên cạnh đó, những đặc điểm khác biệt nảy sinh trong quá trình tiếp xúc, cùng với sự khác biệt mang tính đặc thù về vị trí địa lí, điều kiện khí hậu, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, loại hình ngôn ngữ ... đã tạo ra nhiều nét khác biệt trên cả ba phương diện giữa hai lớp từ vay mượn cùng nguồn gốc trong tiếng Nhật và tiếng Việt. Từ khóa: đặc điểm, đối chiếu, yếu tố Hán, tiếng Nhật, tiếng Việt 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Ảnh hưởng của các yếu tố Hán trong ngôn ngữ Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam rất rõ rệt. Mặc dù liên tục bị đồng hóa, song trong kho tàng từ vựng của các nước này vẫn còn hàng loạt từ vay mượn nguyên gốc. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tiến hành khảo sát đặc điểm các yếu tố Hán trong tiếng Nhật trong hai trường hợp: 1) trường hợp vay mượn từ Hán khi đã có từ thuần Nhật tương đương; 2) trường hợp vay mượn từ 1 Nhận bài ngày 07.04.2016 gửi phản biện và duyệt đăng ngày 28.04.2016. Liên hệ tác giả: Trần Kiều Huế; Email: kieuhue@gmail.com TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 3/2016 31 Hán khi không có từ thuần Nhật tương đương trong cách nhìn đối chiếu với các yếu tố Hán - Việt của tiếng Việt. 2. NỘI DUNG 2.1. Trường hợp vay mượn từ Hán khi không có từ thuần Nhật mang nghĩa tương đương Trải qua quá trình tồn tại và phát triển, với những đặc thù riêng do được đồng hóa ở các bình diện ngữ âm, hình thái - cấu trúc và ngữ nghĩa, các yếu tố Hán đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong tiếng Nhật (trong tiếng Nhật, các từ Hán chiếm 47,5%), trong cuộc sống hàng ngày trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống. Có thể thấy, tiếng Nhật chịu ảnh hưởng rất lớn từ tiếng Hán qua con đường sách vở. Chẳng hạn, tiếng Nhật vào khoảng thời gian từ thế kỉ IX và X được cho là chưa đủ phong phú để diễn đạt được hết những khái niệm trừu tượng, nên chưa thể thoát li khỏi tiếng Trung Hoa [6, tr.192]. Do đó, trong tiếng Nhật xuất hiện các từ Hán (dưới đây, gọi là từ Hán - Nhật) biểu hiện các khái niệm mới mà tiếng Nhật chưa có từ để biểu thị. Thường xuất hiện nhiều trong tiếng Nhật là các danh từ Hán - Nhật biểu hiện các khái niệm trừu tượng, bổ sung sự thiếu hụt trong hệ thống từ vựng. Ở đây, chúng tôi chỉ đưa ra các kết quả khảo sát và phân tích đối với các yếu tố Hán - Nhật (tương ứng với một chữ Hán có cách đọc theo âm Hán - Nhật và có thể là từ hoặc chỉ là yếu tố tạo từ trong tiếng Nhật) và lớp từ Hán - Nhật có một chữ Hán, tương đương với từ Hán - Việt đơn tiết, nhưng do đặc thù của tiếng Nhật nên dưới đây chúng tôi gọi là từ Hán - Nhật đơn tự. Các nhóm từ như nhóm từ chỉ chất liệu/vật chất cũng được bổ sung rất nhiều các từ cơ bản như 金 kim, 銀 ngân, 銅 đồng, 鉄 thiết, 酸 toan bên cạnh những từ từ thuần Nhật sẵn có như [ishi] (石 “đá”), [iwa] (岩 “đá”) nên hai yếu tố Hán 石 thạch, 岩 nham mang nghĩa tương đương “đá” không trở thành từ mà chỉ là yếu tố tạo từ trong tiếng Nhật. Theo nguyên tắc, vay mượn từ vựng chủ yếu diễn ra trong một ngôn ngữ bất kì là do sự thiếu hụt từ vựng. Sự du nhập của các từ Hán - Nhật cũng không nằm ngoài nguyên tắc này. Chẳng hạn, ngoài các từ biểu hiện các khái niệm liên quan đến tư duy, tư tưởng của nền văn minh Trung Hoa, lượng lớn các từ biểu thị những khái niệm liên quan đến đời sống hàng ngày cũng được đưa vào tiếng Nhật, đặc biệt là nhóm các động từ Hán - Nhật đơn tự. Lí do du nhập các từ này với số lượng tương đối lớn là để khắc phục nhược điểm chỉ biểu thị các khái niệm rất trừu tượng (đa nghĩa) - vốn là đặc điểm của động từ thuần Nhật. Ví dụ: TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 3/2016 32 - Động từ 罰する phạt (trong 違反者を罰する: phạt người vi phạm) biểu thị khái niệm không có từ thuần Nhật tương đương. Trong từ điển giải thích nghĩa của từ này không có từ tương và phải dùng một từ Hán - Nhật song tự khác (処理する: xử lí) để diễn đạt nghĩa. - Động từ 刻する khắc biểu thị nghĩa chính xác hơn động từ đa nghĩa きざむ “băm/cắt nhỏ/chặt/khắc”. Có thể thấy các động từ Hán - Nhật đơn tự này chủ yếu được du nhập lẻ tẻ, không lập thành một trường từ vựng ngữ nghĩa. Theo kết quả khảo sát, nghĩa của các từ này phân bố rải rác theo các phạm vi nghĩa khác nhau: hành động/động tác của con người trong đời sống hàng ngày (ví dụ: “ngồi, uống trà, nghỉ ngơi, ghi chép, cảm ơn, chúc mừng”,...); các hoạt động lao động/sản xuất, hoạt động tư duy (ví dụ: 閲 duyệt trong 草案を閲する “xem xét bản thảo”, 議 nghị trong 外交問題を議する “tranh luận các vấn đề ngoại giao”; các động từ biểu hiện hành động trông mong, chờ đợi; các động từ chỉ cảm giác, các từ liên quan đến công việc hành chính (khoảng 196 động từ Hán - Nhật đơn tự). Sự tiếp xúc gián đoạn, gián tiếp qua con đường sách vở, học thuật và qua một số cá nhân với một ngôn ngữ nước ngoài không đủ để khiến ngôn ngữ đó trở thành sinh ngữ giống như trường hợp tiếng Hán trong lịch sử tiếp xúc Hán - Việt. Sự tiếp xúc Hán - Nhật cũng thuộc trường hợp du nhập lẻ tẻ phổ biến như thế. Do đó, lượng từ ngữ Hán du nhập vào tiếng Nhật hầu hết không theo nhóm/trường từ vựng - ngữ nghĩa, hoặc chỉ bó hẹp trong một số lĩnh vực. Theo George Sansom, khoảng thời gian từ những năm 630 ~ 833, ở Nhật Bản có một số người “được cử đi du học ở Trung Hoa về Y lí, thuyết Âm Dương, học viết văn, âm nhạc, ...” [6, tr.206]. Trong các từ Hán - Nhật đơn tự cũng có các từ liên quan đến các lĩnh vực này như: 熱 nhiệt, 寒 hàn, 譜 phổ, 文 văn, 節 tiết, 句 cú, 題 đề, 調 điều (điệu), 楽 nhạc, 劇 kịch, 芸 nghệ, ... Các lĩnh vực này hầu như phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của Trung Hoa đối với Nhật Bản cũng như đường lối chính trị, chính sách đối ngoại của chính quyền phong kiến Nhật Bản trong lịch sử. Hầu hết các từ Hán - Nhật đơn tự về tôn giáo, học hành được du nhập theo nhóm tuy không nhiều nhưng phản ánh tình trạng của mối quan hệ giữa hai nước. Chẳng hạn, vào khoảng những năm 630 ~ 838, “mục đích chính của việc bang giao với Trung Hoa là vì việc học tập, nghiên cứu về tôn giáo, về triết học và về kĩ thuật.” [6, tr.207]. Hơn nữa, khác với Việt Nam, Nhật Bản tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của nền văn hóa văn minh Trung Hoa một cách tự nguyện hoặc do một số những nguyên nhân khách quan (trong đó có sự bất ổn của tình hình chính trị Trung Hoa sau khi nhà Đường sụp đổ hoàn toàn vào năm 907) nên TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 3/2016 33 “người Nhật phát huy tính tự lực tự cường của mình” và “những người cầm quyền ở Nhật Bản cũng đã bắt đầu tiếp thu có phê phán những tri thức và kinh nghiệm Trung Hoa”. Bên cạnh đó, với ảnh hưởng của quá trình tiếp xúc Hán - Việt và sự thuận lợi do tương đồng về loại hình ngôn ngữ với tiếng Hán nên số lượng các từ du nhập theo nhóm trong tiếng Việt nhiều hơn hẳn so với tiếng Nhật. Các từ mượn Hán có tính hệ thống, nhiều về số lượng (trong đó bao gồm cả các từ đơn tiết), phong phú về chất lượng, du nhập kéo dài và liên tục cho đến ngày nay. Các từ Hán - Việt xuất hiện theo nhóm đã lập nên các trường từ vựng - ngữ nghĩa mới và đây là “đặc điểm riêng của các từ đơn tiết Hán - Việt” [5, tr.71, 134]. Ví dụ: - Nhóm từ chỉ phương hướng: đông, tây, nam, bắc. - Nhóm từ chỉ mùa: xuân, hạ, thu, đông. - Nhóm các từ chỉ đạo đức phương Đông: trung, hiếu, lễ, nghĩa, tiết, công, dung, ngôn, hạnh, nhân, tín, nhẫn, tôn, kính, trọng, khinh, quí. - Nhóm từ chỉ âm dương ngũ hành: âm, dương, kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. - Nhóm từ chỉ tín ngưỡng, tôn giáo: linh, cát, hung, thần, Phật, kinh. Đặc biệt là nhóm các từ chỉ các đơn vị hành chính như thôn, ấp, hương, giáp, xã, lí, tổng, châu, huyện, phủ, trấn, tỉnh, phường, khu, quận, đô, kinh, bang...; nhóm các từ chỉ công việc hành chính, luật lệ triều đình. 2.2. Trường hợp vay mượn từ Hán khi có từ thuần Nhật mang nghĩa tương đương Cũng như trong các ngôn ngữ khác, bên cạnh việc du nhập các từ khi không có từ tương đương biểu thị một khái niệm nào đó, trong tiếng Nhật cũng phổ biến hiện tượng vẫn vay mượn các đơn vị từ ngữ biểu hiện những khái niệm vốn đã có từ mang nghĩa tương đương. Có thể thấy rõ hiện tượng này qua kết quả khảo sát cách đọc của 2098 yếu tố Hán trong Bảng Hán tự thường dụng. Trong đó, có khoảng 1242 yếu tố có cả âm Nhật và âm Hán - Nhật, các yếu tố chỉ có âm Hán - Nhật là 703 yếu tố, các yếu tố chỉ có âm Nhật là 37 yếu tố (loại trừ quốc tự của Nhật Bản). Việc 1242 yếu tố Hán - Nhật có cả âm Hán - Nhật và âm Nhật có nghĩa là tiếng Nhật đã du nhập khoảng 1242 đơn vị vốn đã có từ thuần Nhật tương đương (chính là các cách đọc Nhật của những yếu tố Hán này). Tuy nhiên, các yếu tố này thường là các từ đơn tiết trong tiếng Hán, khi du nhập vào tiếng Nhật hầu hết trở thành yếu tố tạo từ. 703 yếu tố Hán chỉ có âm Hán - Nhật mà không có âm Nhật chính là các trường hợp không có từ thuần Nhật tương đương. Trong tiếng Việt, có thể thấy phổ biến là trường hợp mượn các từ Hán vốn đã có từ Việt tương đương. Trong tổng số 2998 yếu tố Hán trong “Tam thiên tự giải âm” có 85% TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 3/2016 34 các yếu tố được định nghĩa bằng từ Việt tương đương “đồng nghĩa”. Các trường hợp khác (15%) “không có từ Việt mang nghĩa tương đương” được “định nghĩa bằng chính chúng” và những từ này trở thành các từ thực sự trong hệ thống từ vựng tiếng Việt do “đã không xảy ra hiện tượng xung đột đồng nghĩa” với các từ Việt mang nghĩa tương đương [5, tr.137 - 138]. Như vậy, theo quan điểm này, trường hợp các từ Hán - Nhật được du nhập khi trong tiếng Nhật sẵn có từ tương đương cũng xảy ra sự xung đột về nghĩa. Điều này dẫn đến sự thay đổi về ngữ nghĩa và cương vị ngữ pháp. Chẳng hạn, trong gần 400 danh từ Hán - Nhật đơn tự chúng tôi khảo sát thì chỉ xuất hiện 2 từ chỉ động vật (long và tượng), 2 từ chỉ thực vật (cúc, lan) bởi vì trường từ vựng thực vật - động vật trong tiếng Nhật được cho là khá hoàn chỉnh. Cũng theo tác giả Akimoto [7], danh từ thuần Nhật ít các từ biểu thị khái niệm trừu tượng và “trong tiếng Nhật từ vựng liên quan đến tự nhiên như thực vật, cá, chim, côn trùng rất phong phú”. Do đó, hầu hết các từ đơn tiết Hán thuộc trường từ vựng này khi du nhập vào tiếng Nhật đều trở thành yếu tố tạo từ. Ví dụ: 虫trùng, 虎 hổ, 燕 yến, 猫 miễu, 柳 liễu, 松 tùng, 梅 mai chỉ là yếu tố tạo từ trong các từ như: 昆虫 côn trùng, 益虫 ích trùng, 燕楽 yến lạc, 燕室 yến thất, 燕雀 yến tước, 猫額 miêu ngạch, 愛猫 ái miêu, 霊猫 linh miêu, 柳煙 liễu yên, 柳眼 liễu nhãn, 松陰 tùng âm, 虎穴 hổ huyệt, 虎視 hổ thị, 虎子 hổ tử, ... Hoặc người Nhật sử dụng chữ viết của các yếu tố này để viết các từ thuần Nhật mang nghĩa tương đương. Tuy nhiên, cũng có trường hợp như từ 龍/竜 [ryuu] long vẫn được sử dụng song song với từ [tatsu] “rồng”, nhưng thường chỉ xuất hiện trong các cụm từ cố định hoặc được dùng để giải thích (trong giao tiếp) về mặt chữ viết trong các trường hợp phân biệt hai từ đồng âm 立つ [tatsu] “đứng” và竜 [tatsu] “rồng”. Tương tự, chỉ có duy nhất từ 紺 cám (“xanh”) được bổ sung vào hệ thống từ chỉ màu sắc của tiếng Nhật. Điều này có nghĩa là hệ thống từ chỉ màu sắc trong tiếng Nhật về cơ bản đã gần như hoàn chỉnh. Trong các tác phẩm văn học của Murasaki - người được coi là “nữ sĩ thiên tài đã có những cống hiến lớn lao trong việc làm giàu ngôn ngữ dân tộc” (tiếng Nhật) của nền văn học Nhật Bản thế kỉ thứ IX - được “viết bằng tiếng mẹ đẻ” “có nhiều đoạn tả màu sắc” của các đồ vật trong cung và trang phục của các nhân vật trong triều đình Nhật thời đó cho thấy “thị hiếu của người Nhật đối với hình thù và màu sắc mà qua đó còn có thể hiểu rõ thêm quá trình phát triển tiếng mẹ đẻ của dân tộc Nhật”. Điều này chứng tỏ các từ chỉ màu sắc trong tiếng Nhật xuất hiện trong tác phẩm này là các từ thuần Nhật và vô cùng phong phú. Do đó, các từ chỉ màu sắc trong tiếng Hán khi vào TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 3/2016 35 tiếng Nhật vốn đã có sự phong phú và khá hoàn chỉnh của nhóm từ thuộc trường từ vựng này nên đã có sự thay đổi cương vị ngữ pháp theo chiều giáng cấp trở thành các yếu tố tạo từ. Có thể thấy sự đồng hóa về mặt ngữ nghĩa theo chiều bảo lưu hay thay đổi nghĩa diễn ra một cách tương đối trong mối tương quan với các phương diện khác của các yếu tố vay mượn. Đặc biệt, đối với các yếu tố mượn Hán, trong sự bảo lưu nghĩa đã thấy có sự thay đổi do sự hạn chế phạm vi sử dụng, sự thay đổi cương vị ngữ pháp. Hầu hết, các yếu tố mượn Hán trong cả tiếng Nhật và tiếng Việt đều có khả năng kết hợp cao khi là yếu tố tạo từ. Chính khả năng có thể kết hợp này là một trong những biểu hiện của sự bảo lưu nghĩa và cũng chính là điều kiện thuận lợi giúp các yếu tố này có thể bảo toàn được nghĩa gốc. 3. KẾT LUẬN Xu hướng thu hẹp nghĩa của các yếu tố Hán chủ yếu tập trung ở các trường hợp có khả năng độc lập trở thành từ. Về nguyên tắc, nguyên nhân của những sự thu hẹp nghĩa này là sự xung đột đồng âm và đồng nghĩa. Hiện tượng đồng âm là rất phổ biến trong tiếng Nhật và tiếng Việt, đặc biệt, đối với các từ có 1 mora hoặc 2 mora trong tiếng Nhật và từ đơn tiết trong tiếng Việt. Do đó, các từ đơn tiết trong tiếng Hán khi vào tiếng Nhật và tiếng Việt gặp rất nhiều các từ thuần Nhật hoặc từ Việt đồng âm nên buộc phải trở thành yếu tố tạo từ (thay đổi cương vị ngữ pháp) hoặc phải hạn chế cách sử dụng để dễ nhận diện, phân biệt với các từ đồng âm. Bên cạnh đó, xét trên phương diện ngữ nghĩa, sự vay mượn, đồng hóa các yếu tố mượn Hán trong cả hai ngôn ngữ cũng tuân thủ nguyên tắc: gặp các đơn vị từ mang nghĩa tương đương thì trở thành yếu tố tạo từ hoặc vẫn là từ nhưng chỉ bảo lưu một nét nghĩa hoặc được phát triển thêm nghĩa trên có sở nghĩa gốc để biểu hiện các khái niệm có sự tương đồng nhất định nào đó với khái niệm đã được biểu hiện trong nghĩa gốc. Tuy nhiên, do các đặc thù về loại hình học và hệ thống từ vựng của hai ngôn ngữ nên mặc dù cùng vay mượn một hệ thống các yếu tố Hán nhưng trong từng ngôn ngữ xuất hiện những đơn vị từ vựng mượn Hán khác nhau (sự phân bố từ khác nhau trong các trường từ vựng - ngữ nghĩa) do mức độ đồng hóa khác nhau. Đặc biệt, số lượng và sự phân bố theo các trường từ vựng - ngữ nghĩa của các từ Hán - Nhật đơn tự và từ Hán - Việt đơn tiết (đơn vị có giá trị trong việc thể hiện mức độ đồng hóa của các yếu tố mượn Hán trong hai ngôn ngữ) cũng có nhiều điểm khác nhau. TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 3/2016 36 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đỗ Hữu Châu (1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb Giáo dục. 2. Nguyễn Thiện Giáp chủ biên (2005), Lược sử Việt ngữ học, tập 1, Nxb Giáo dục. 3. Trần Kiều Huế (2012), “Một số vấn đề chung về vay mượn từ vựng và khái quát về từ mượn Hán trong tiếng Nhật”, Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ, tập 28, số 4, 2012, Đại học Quốc gia Hà Nội. 4. Trần Kiều Huế (2012), “Phân loại các yếu tố Hán - Nhật và đặc điểm đồng hóa về hình thái - cấu trúc của các yếu tố Hán - Nhật (đối chiếu với tiếng Việt)”, Ngôn ngữ học & Ngôn ngữ học Nhật Bản: Nghiên cứu và giảng dạy (2012), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 5. Nguyễn Văn Khang (2007), Từ ngoại lai trong tiếng Việt, Nxb Giáo dục. 6. George Sansom (1994), Lịch sử Nhật Bản, tập 3, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 7. 秋元美晴 (2002),『日本語教師・分野別マスターシリーズ よくわかる語彙 , アルク. 8. 藤堂明保 (1969), 『漢語と日本語』, 秀英出版. 9. Hoàng Văn Hành (chủ biên) (1991), Từ điển yếu tố Hán - Việt thông dụng, Nxb Khoa học xã hội. 10. Trung tâm từ điển học (2009), Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nxb Đà Nẵng. 11. 新村出 編 (2008),『広辞苑第五版』(Phiên bản điện tử), 岩波書店. SOME FEATURES OF CHINESE ELEMENTS IN JAPANESE LANGUAGE FROM CONTRASTIVE PERSPECTIVES WITH THAT IN VIETNAMESE LANGUAGE Abstract: As one of the countries influenced by Chinese culture as well as Chinese characters, like Vietnam, through the contact with China in many aspects from the past until today, Japan has adopted a large number of Chinese words into its vocabulary, which is manifested in pronunciation, meaning and writing. In modern Vietnamese, it is manifested in pronunciation and meaning. The features and the proportion of assimilation of Chinese words into both languages have some similarities due to the universality of the word borrowing phenomenon and some close features of the contact process with Chinese people and Chinese culture. Besides, the distinguish features emerged in this process, along with the typical differences in geographical location, climate conditions, economics – polotics – scociety, language type, etc made the differences in three facets between Japanese Chinese borrowing and Vietnamese Chinese borrowing words. Keywords: characteristics, comparison, Chinese elements, Japanese, Vietnamese
File đính kèm:
- mot_so_dac_diem_cua_yeu_to_han_trong_tieng_nhat_qua_cach_nhi.pdf