Những nẻo đường phân thân trong quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi

Quốc âm thi tập là tập thơ phản ánh những tâm trạng vui, buồn khác nhau của Nguyễn

Trãi trong những năm tháng làm quan và lui về ở ẩn. Để hiểu thêm về con người Nguyễn

Trãi, bài viết tập trung phân tích hai kiểu con người trong tập thơ: kiểu con người hành

đạo với lý tưởng trung hiếu và con người cá nhân cô độc trước sóng gió cuộc đời.

Những nẻo đường phân thân trong quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi trang 1

Trang 1

Những nẻo đường phân thân trong quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi trang 2

Trang 2

Những nẻo đường phân thân trong quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi trang 3

Trang 3

Những nẻo đường phân thân trong quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi trang 4

Trang 4

Những nẻo đường phân thân trong quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi trang 5

Trang 5

Những nẻo đường phân thân trong quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi trang 6

Trang 6

Những nẻo đường phân thân trong quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi trang 7

Trang 7

Những nẻo đường phân thân trong quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi trang 8

Trang 8

pdf 8 trang minhkhanh 4620
Bạn đang xem tài liệu "Những nẻo đường phân thân trong quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Những nẻo đường phân thân trong quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi

Những nẻo đường phân thân trong quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 7, Số 2 (2017) 
23 
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG PHÂN THÂN 
TRONG QUỐC ÂM THI TẬP CỦA NGUYỄN TRÃI 
Hà Ngọc Hòa 
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế 
Email: hangochoa@gmail.com 
TÓM TẮT 
Quốc âm thi tập là tập thơ phản ánh những tâm trạng vui, buồn khác nhau của Nguyễn 
Trãi trong những năm tháng làm quan và lui về ở ẩn. Để hiểu thêm về con người Nguyễn 
Trãi, bài viết tập trung phân tích hai kiểu con người trong tập thơ: kiểu con người hành 
đạo với lý tưởng trung hiếu và con người cá nhân cô độc trước sóng gió cuộc đời. 
Từ khóa: Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, con người hành đạo, con người cá nhân 
1. Xét trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học trung đại Việt Nam, có lẽ Nguyễn 
Trãi nằm trong số ít những người neo đậu trên bến bờ văn chương bằng cả thơ chữ Hán lẫn chữ 
Nôm. Bên cạnh Ức Trai thi tập là Quốc âm thi tập mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc có từ bao 
đời. Tuy chia sẻ với văn học chữ Hán những quan điểm thẩm mỹ nhất định, nhưng cuộc sống 
đời thường vẫn là nỗi ám ảnh trong thơ Nôm Nguyễn Trãi. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà 
nghiên cứu thường xem Nguyễn Trãi là người có công khai sơn phá thạch, đặt nền móng cho 
thơ quốc âm. Và cũng từ Quốc âm thi tập trở đi, thơ Nôm Đường luật mới gặt hái được nhiều 
thành công trên con đường chiếm lĩnh hiện thực cuộc sống bằng những buồn vui thế thái, những 
khát khao trần tục của kiếp người. 
Quốc âm thi tập gồm có 254 bài thơ được chia làm bốn môn loại với tổng cộng 53 đề 
mục, phản ánh những tâm trạng, những sắc thái tâm hồn riêng biệt của nhà thơ trước hải hoạn 
ba đào, dâu bể của cuộc đời. Về hoàn cảnh ra đời của Quốc âm thi tập, các công trình nghiên 
cứu đều thống nhất ý kiến tập thơ được sáng tác trong khoảng thời gian ông lui về ở ẩn tại Côn 
Sơn - nơi mà tuổi thơ êm đềm đã trải qua cùng ông ngoại Quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán “Qua 
đó có thể thấy trong thơ Nôm, Nguyễn Trãi chủ yếu bộc lộ tâm sự của ông khi phải đi ở ẩn” [3, 
221], nhưng theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh, thì Quốc âm thi tập còn gắn liền với những 
khoảng thời gian “luân lạc tha hương khứ” khác nhau của Nguyễn Trãi: “Thập niên phiêu 
chuyển thán bồng bình. Quy Côn Sơn chu trung tác” (Mười năm xiêu giạt thân mình như cỏ 
bồng cánh bèo. Về Côn Sơn làm trong thuyền), “Đại bộ phận những bài thơ trong tập ấy là làm 
trong thời gian ông vẫn ở Côn Sơn từ cuối năm Thuận Thiên thứ 2 hay đầu năm Thuận Thiên 
thứ 3 đến cuối đời Lê Thái Tổ Còn những bài khác thì đại khái là làm trong khi mà tâm sự 
Những nẻo đường phân thân trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi 
24 
cũng có những điều vô liêu buồn bã ít nhiều, hoặc trong thời gian luân lạc trước khi được gặp 
Lê Lợi, hoặc trong khi bị giam lỏng ở Thăng Long hoặc trong những khi đi về Côn Sơn ở mấy 
năm cuối đời.” [1, 264]. Đây là ý kiến mà theo chúng tôi là đáng quan tâm khi tìm hiểu cuộc 
đời - thơ Nguyễn Trãi, bởi bên cạnh một “Côn Sơn hữu tuyền” vẫn thấp thoáng “Góc thành 
Nam, lều một gian” (Thủ vĩ ngâm); bên cạnh một triều thị “Những vì chúa thánh âu đời trị” 
(Tự thán. Bài 2) vẫn thấp thoáng “Quê cũ tìm về cảnh cũ thanh” (Bảo kính cảnh giới. Bài 31) 
Chính ở trong những không gian, hoàn cảnh khác nhau, tâm hồn thơ tác giả mới trở nên phong 
phú và đa dạng. 
Do những điều kiện cụ thể và khách quan qui định, mà mỗi thời đại đều có những tham 
chiếu riêng khi đi vào nhận diện lịch sử. Việc ưu tiên nhấn mạnh khuynh hướng yêu nước, tinh 
thần nhân đạo và những biểu hiện của tinh thần ấy trong các tiến trình vận động khác nhau của 
văn học trung đại đã chi phối toàn bộ hoạt động của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội trước 
đây. Và tất nhiên thơ văn của Nguyễn Trãi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ thoát ra khỏi 
hệ qui chiếu ấy. Trong giáo trình Văn học Việt Nam thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII (tái bản lần 
thứ 3), nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh đã nhận định “ Nguyễn Trãi viết văn thì đều là mục đích 
chiến đấu, ông làm thơ thì ngoài mục đích ấy lại còn là để bộc lộ tâm sự của mình. Thơ ông có 
nhiều bài thể hiện lý tưởng chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc, vì đời sống của nhân dân, vì lý 
tưởng nhân nghĩa. Những bài thơ ấy bao giờ cũng đầy khí phách hào hùng và chan chứa tình 
cảm chân thành, và có nội dung tư tưởng nhất quán với những tác phẩm văn chính luận của 
ông” [3, 245] và “Rõ ràng là với niềm yêu đời tha thiết, Nguyễn Trãi đã viết nên những lời thơ 
vui nhộn nhịp, tràn đầy màu sắc, hương vị, âm thanh. Phải nói rằng thơ văn Nguyễn Trãi một 
mặt phản ánh cuộc chiến đấu không mệt mỏi của ông vì con người, vì cuộc sống thì một mặt 
khác lại thể hiện nhiệt tình yêu mến cuộc sống với tất cả lạc thú mà cuộc sống có thể đem lại 
cho con người” [3, 248]. Tương tự, bài viết “Quốc âm thi tập, tác phẩm mở đầu nền thơ cổ điển 
Việt Nam” của nhà thơ Xuân Diệu (in trong tác phẩm Nguyễn Trãi, khí phách và tinh hoa dân 
tộc) cũng cho rằng“Thơ Nguyễn Trãi là tâm hồn của Nguyễn Trãi, trong sáng và đầy sức 
sống Thơ của Nguyễn Trãi có bài buồn, có câu buồn, vì lẽ gì chúng ta đều biết, nhưng cả tập 
thơ của Nguyễn Trãi là thơ của một người yêu đời, yêu người, tâm hồn Nguyễn Trãi sống một 
nhịp với non sông đất nước tươi vui” [4, 273] Những nhận định trên có phần chính xác với 
con người thơ Nguyễn Trãi, nhưng nếu đánh đồng tất cả các trạng thái tâm hồn theo tính qui 
nạp, khi cho rằng “những lời thơ vui nhộn nhịp”, “yêu người, yêu đời” ấy là cảm hứng chủ đạo 
của Quốc âm thi tập, thì quả là khiên cưỡng. Sự đơn giản trong cách nhìn nhận, đánh giá theo 
hệ qui chiếu đã nêu, khó có thể tái hiện được chân dung của một con người cô độc trên hành 
trình đi tìm nhân nghĩa cho cuộc đời. Phải chăng, nói như nhà nghiên cứu, phê bình Đỗ Lai 
Thúy khi nhìn lại văn học của một thời chưa xa “Trong thời buổi ưa thích sự nhất phiến, thuần 
nhất, sợ sự phức tạp, mâu thuẫn, người ta luôn có xu hướng đơn giản hóa, trong suốt hóa, nhất 
thể hóa mọi sự phức tạp, mâu thuẫn” [6, 284]. Những năm tháng bị giam ở thành Đông Quan, 
những năm tháng bị nhà vua ruồng bỏ, Côn Sơn là lối đi về, đã in đậm vào Quốc âm thi tập 
bằng những nỗi buồn “thiên nan vấn”. Vì thế, bên cạnh một Nguyễn Trãi luôn sống theo 
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 7, Số 2 (2017) 
25 
nguyên tắc bảo vệ và thực hành Nho giáo, theo chúng tôi còn có một Nguyễn Trãi khác - một 
Nguyễn Trãi luôn bơ vơ, lạc lõng trong Cõi người ta. 
2. Được tinh lọc từ mối quan hệ ngũ luân, trung hiếu đã trở thành lý tưởng cao quý, 
thành bổn phận của người trí thức trong suốt cuộc đời hành đạo. Dẫu lịch sử - xã hội có nhiều 
thay đổi, dẫn đến sự hình thành nhiều loại hình nhà nho khác nhau, thì lý tưởng trung hiếu vẫn 
là “máu thịt đời thường ai chẳng có” trong phần lớn các nhà nho của nhiều thế hệ. Có lẽ, không 
ai trong số họ nghi ngờ minh chúa mình đã lựa chọn, nghi ngờ con đường mình đã kinh qua, 
mặc dầu sự lựa chọn ấy vẫn gợi lên những cơn bão táp của tâm hồn: 
“Chữ học ngày xưa quên hết dạng, 
Chẳng quên có một chữ cương thường.” 
(Tự thán. Bài 12) 
Nguyễn Trãi nhập thế cục khi mà Nho giáo chưa chiếm địa vị độc tôn trong thượng tầng 
kiến trúc phong kiến như thời vua Lê Thánh Tông ở nửa sau thế kỉ XV. Nho giáo trong ông vẫn 
còn là sự dung hợp của Phật giáo và Lão - Trang. Chính điều này giúp chúng ta lý giải tại sao 
những năm tháng ở Côn Sơn, thơ Nguyễn Trãi lại đượm mùi Thiền và thấm đẫm tư tưởng Lão - 
Trang, khi thoát ra khỏi con người chức năng, phận vị để “vui đạo hãy tùy duyên” (Trần Nhân 
Tông). Tuy vậy, Cửa Khổng sân Trình đã từng mách bảo “Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương 
thổ” (Khắp cả gầm trời này không đâu không là đất của nhà vua). Dẫu đại ẩn hay tiểu ẩn, người 
trí thức đều biết “tấc đất, ngọn rau ơn chúa” (Nguyễn Đình Chiểu) và khi cần - tất yếu “Nợ áo 
cơm phải trả đến hình hài” (Nguyễn Văn Thành). Mười năm lên Lam Sơn, theo minh chúa nằm 
gai nếm mật. Mười năm thay minh chúa viết Quân trung từ mệnh tập, viết thiên cổ hùng văn - 
Bình ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đều tận tụy, làm tròn bổn phận của một tôi trung. Đất nước thái 
bình, chưa kịp “công thành thân thoái”, Nguyễn Trãi đã bị giam vào ngục vì những lời xu nịnh 
gièm pha “Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn” (Bảo kính cảnh giới. Bài 9), vì nỗi oan khiên 
vụ án Trần Nguyên Hãn “Tội ai cho nấy cam danh phận/ Chớ có thân sơ mới trượng phu” (Tức 
sự. Bài 25) thì cái tâm vằng vặc như sao Khuê buổi sáng ấy vẫn không hề xao lãng phận tôi 
trung “Trung hiếu niềm xưa chớ nỡ dời” (Ngôn chí. Bài 9); “Âu còn nợ chúa cùng cha” (Thuật 
hứng. Bài 9); “Tôi ngươi tất hết lòng trung hiếu” (Tự thán. Bài 30). Lặp đi lặp lại trong Quốc 
âm thi tập là hình ảnh một Ức Trai bị bỏ rơi, lòng vẫn nhớ vua không dứt “Quân thân chưa báo 
lòng canh cánh” (Ngôn chí. Bài 7); “Bui một quân thân ơn cực nặng/ Tơ hào chưa báo hãy còn 
âu” (Mạn thuật. Bài 8); “Kể hãy bằng quỳ hướng thái dương” (Tự thán. Bài 1). 
Sự lựa chọn con đường đi của Nguyễn Trãi, có lẽ không bao giờ trùng với sự lựa chọn 
của lịch sử. Từ lập thân - bảo thân cho đến dưỡng thân nhưng vẫn không tránh khỏi lưỡi gươm 
oan nghiệt của số phận. Con đường đi của Nguyễn Trãi là bi kịch của đời ông, bi kịch của người 
trí thức chân chính lắm lo âu và hoạn nạn. Có điều trước sau Nguyễn Trãi vẫn là một nhà nho - 
một nhà nho ít thanh thản trong cuộc đời. Vì thế, ngay cả lúc lui về Côn Sơn “ẩn tức kỳ trung”, 
thì nỗi niềm trung hiếu vẫn không thôi là nỗi ám ảnh “Khỏi triều quan mới hay ơn chúa” (Trần 
Những nẻo đường phân thân trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi 
26 
tình. Bài 3); “Cho về cho ở đều ơn chúa” (Thuật hứng. Bài 8); “Cảm ơn nỡ phụ muôn đời chúa/ 
Phải lụy vì nhân một chữ đinh” (Bảo kính cảnh giới. Bài 39); “Trông cửa ngọc, vân yên cách/ 
Giải lòng đơn, nhật nguyệt thâu” (Trần tình. Bài 4) Nhưng bên cạnh những ray rứt về bổn 
phận vua tôi chưa báo đáp là những cơn sóng lòng về dân về nước: 
“Phú quốc binh cường chăng có chước, 
Bầy tôi nào thuở ích chưng dân.” 
(Trần tình. Bài 1) 
“Còn có một lòng âu việc nước, 
Đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung.” 
(Thuật hứng. Bài 23) 
Ngay cả trong Ức Trai thi tập, nhà thơ cũng bộc bạch: 
“Nuy ốc thê thân kham độ lão, 
Thương sinh tại niệm độc tiên ưu.” 
(Mạn hứng) 
(Nhà nhỏ nương mình có thể qua tuổi già, 
Vì dân đen thường để dạ một mình ta lo trước.) 
(Hứng chơi) 
Khó có nhà thơ nào trong văn học trung đại mà nỗi niềm trung quân ái quốc lại vò xé 
tâm can mãnh liệt như Nguyễn Trãi. Dường như trong tâm hồn không mấy thanh thản ấy, lúc 
nào cũng “canh cánh, còn âu, âu đời trị”; lúc nào cũng “thức nhẫn nẻo sơ chung, buồn đêm 
trống ba, lòng phiền nửa đêm” để rồi “Tóc hai phần bạc bởi thương thu” (Trần tình. Bài 7). 
Sống theo nguyên tắc bảo vệ và thực hành Nho giáo, thì con người hành đạo với lý tưởng trung 
hiếu luôn ám ảnh cuộc đời Nguyễn Trãi - ngay cả lúc bẽ bàng nhất, cũng không có gì là lạ. Có 
điều, khác với các thi sĩ Hội Tao đàn nửa sau thế kỉ XV, trung quân của Nguyễn Trãi đã gắn liền 
với ái quốc ưu dân. Vượt lên trên tất cả những phù hoa hư ảo của đời sống, vượt lên trên tất cả 
những cay đắng, tủi nhục của quan lộ “Yêu nhục nhiều phen vuỗn đã từng” (Bảo kính cảnh 
giới. Bài 34), cho về cho ở đối với nhà thơ không phải là mối bận tâm, mà chính “Lẽ có Ngu 
cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ khắp đòi phương” (Bảo kính cảnh giới. Bài 43) mới là mối bận 
tâm lớn nhất trong cuộc đời nhà thơ. Và chính điều này, đã khiến tư tưởng nhân nghĩa của 
Nguyễn Trãi đã thoát ra khỏi vòng kim cô của Nho giáo, để gắn liền với đạo lí truyền thống của 
dân tộc: nhân nghĩa phải yên dân. 
Bên cạnh con người hành đạo với lý tưởng trung hiếu mà “Nghe ra ngậm đắng nuốt cay 
thế nào” (Nguyễn Du - Truyện Kiều), thì con người cô đơn- phiên bản thứ hai của hồn thơ 
Nguyễn Trãi lại luôn “lẽo đẽo đi về” trên từng câu chữ của Quốc âm thi tập. Song hành cùng 
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 7, Số 2 (2017) 
27 
với con người chức năng, bổn phận bao giờ cũng là con người cá nhân. Tự sâu thẳm của tâm 
hồn, con người cá nhân luôn “đối lập hẳn với bản thân mình với xã hội và tự nhiên; nó đắm sâu 
vào bản thân nó, tự tách ra khỏi mọi cái xung quanh, chủ yếu sống bằng những cảm xúc của 
mình, khép mình lại, và nếu như nó hướng tới thiên nhiên thì điều đó diễn ra không phải bằng 
con đường tự nhiên và tự phát, hữu cơ, mà chỉ là do những nỗ lực có ý thức của nó, những nỗ 
lực trí tuệ, tình cảm và ý chí, bằng cách khúc xạ những dữ kiện thiên nhiên và xã hội qua một bộ 
máy cực kì phức tạp của đời sống độc lập bên trong của nó” [5, 14]. Trong thơ ca trung đại 
Việt Nam, con người cá nhân thường xuất hiện khi lý tưởng, bổn phận của người trí thức bắt 
đầu chao đảo trước hiện thực đời sống. Hoài vọng về một triều đại, về những ngày tháng tốt đẹp 
đã qua và khao khát về một sự đổi thay khiến con người cá nhân trở nên cô đơn, lạc lõng giữa 
cuộc đời “Nếu bản thân cuộc sống đã là một giá trị, thì sự ra đi của nó bao giờ cũng mang ý 
nghĩa bi kịch” (Secnưsepxki). Những năm tháng thăng trầm, vinh nhục của quan lộ, chọn Côn 
Sơn làm lối đi về, cái tâm hồn đa cảm, giàu cảm thông và yêu mến ấy trở nên cô độc, lẻ loi trên 
hành trình “Nho quan đa ngộ thân” (Cái mũ nhà nho đã làm cho tấm thân lầm lỡ nhiều - Đỗ 
Phủ) Người anh hùng ngạo nghễ trong Quân trung từ mệnh tập, trong Bình Ngô đại cáo ngày 
nào, giờ luôn bơ vơ, lạc lõng và bế tắc giữa cuộc đời: 
“Thuyền mọn còn chèo chẳng khứng đỗ, 
Trời ban tối ước về đâu.” 
(Ngôn chí. Bài 13) 
Phải chăng, sau những ồn ào là khoảng không thinh lặng của tâm hồn? Sau những hào 
quang ngắn ngủi chốn quan trường là một con người bị tổn thương vì cuộc đời, vì thế thái nhân 
tình: 
“Rắp tới đã hay chăng chốn tới, 
Hầu đi lại chửa biết đường đi.” 
(Tự thán. Bài 30) 
Câu thơ chẳng có hình ảnh, hình tượng gì, mà sao một Nguyễn Trãi bơ vơ, một Nguyễn 
Trãi cô độc vẫn rõ mồn một đến đau đớn lòng. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy“Tuy thời đại 
Nguyễn Trãi không hẳn là thời đại có khả năng sinh ra những người khổng lồ như Hy Lạp cổ 
đại, phục hưng Châu Âu hoặc nước Nga cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, nhưng tôi vẫn thấy ông 
là một người khổng lồ một cách đơn độc” (Loại hình các nhân vật trong lịch sử văn học Việt 
Nam thế kỉ X- XIX). Tuy nhận thức được cái mũ nhà nho làm cho bản thân nhiều lầm lỡ, nhưng 
nhà thơ lại không dễ dàng tháo bỏ. Và chính điều này là đầu mối tạo nên những bi kịch, sự phân 
thân lớn lao trong con người thơ Nguyễn Trãi. Có thể thấy, con người cô đơn của nhà thơ là sự 
cộng hưởng của nhiều trạng thái tâm hồn: Cô đơn giữa chốn quan trường “Thấy bể triều quan 
đà ngại vượt/ Trong dòng phẳng có phong ba” (Bảo kính cảnh giới. Bài 41); cô đơn trước thế 
thái nhân tình “Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết/ Bui một lòng người cực hiểm thay” (Ngôn 
chí. Bài 26); “Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn/ Lòng người quanh nữa nước non quanh” 
Những nẻo đường phân thân trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi 
28 
(Bảo kính cảnh giới. Bài 9); “Thế tình khéo uốn vuỗn bằng câu” (Bảo kính cảnh giới. Bài 35); 
“Ghê thế biến bạc làm đen” (Tức sự. Bài 2) Không chỉ trong Quốc âm thi tập mà ngay cả Ức 
Trai thi tập, con người cô đơn vẫn hiện hữu trước những biến chuyển khôn lường của cuộc đời: 
“Kiểu kiểu long nhương vạn hộc chu, 
An hành mỗi cụ phúc trung lưu. 
Sự kham thế lệ phi ngôn thuyết, 
Vận lạc phong ba khả trí mưu.” 
(Thù hữu nhân kiến ký) 
(Mạnh mẽ như rồng, lướt thuyền muôn hộc, 
Dù yên ổn mà vẫn sợ lật giữa dòng. 
Việc đáng chảy nước mắt, không phải ăn nói được, 
Vận rớt vào cảnh phong ba, còn mưu trí thế nào) 
(Đáp bạn gởi cho) 
Hay: 
“Hư danh thực họa thù kham tiếu, 
Chúng bán cô trung tuyệt khả liên.” 
(Oán thán) 
(Danh hư mà họa thực, rất đáng buồn cười, 
Lắm kẻ ghét một mình trung, rất đáng thương hại) 
(Than van) 
Điều đáng nói trên hành trình cô độc ấy, bên cạnh những nỗi niềm ưu tư mang dáng dấp 
thời đại, Quốc âm thi tập còn là nơi để nhà thơ giãi bày những uẩn khúc sâu kín về tình yêu, về 
hạnh phúc riêng tư mà “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh. Giật mình mình lại thương mình xót xa” 
(Nguyễn Du. Truyện Kiều). Nhận định về con người cá nhân của Nguyễn Trãi, nhà nghiên cứu 
Nguyễn Phạm Hùng cho rằng “Nguyễn Trãi rời khỏi cái ẩn ức chính trị nặng nề đến với cái ẩn 
ức tình yêu Những vần thơ về tình yêu của ông luôn là tiếng kêu thương của một trái tim khao 
khát giao cảm, khao khát bù trừ, khao khát dâng hiến và cả đòi hỏi hưởng thụ nữa. Trái tim đầy 
xúc động và dễ bị tổn thương đó ngân lên thành những lời thơ đau đớn, quằn quại, bởi nó chưa 
bao giờ được lấp đầy, được đền đáp, được giao hòa” [6, tr.88, 89]. Tình yêu hạnh phúc lứa đôi 
trong thơ Nguyễn Trãi chỉ vỏn vẹn ba bài tứ tuyệt, thì có đến hai bài nói đến sự trống vắng, cô 
đơn, khao khát bạn tình trên đường đời gập ghềnh, khúc khuỷu: 
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 7, Số 2 (2017) 
29 
“Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng, 
Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng. 
Ngoài ấy có còn áo lẻ? 
Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng.” 
(Thơ tiếc cảnh. Bài 8) 
Câu hỏi không lời đáp như minh chứng cho cuộc đời dở dang của Nguyễn Trãi: dở dang 
về quan lộ, dở dang về bổn phận, về tình yêu, hạnh phúc; để rồi, thơ ông mãi là sự thiếu vắng, 
đơn côi giữa bộn bề niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và thất vọng Có lẽ trong văn học trung 
đại, chỉ có Nguyễn Trãi, duy nhất Nguyễn Trãi, con người và cuộc đời mới được thể hiện một 
cách đa dạng, phong phú và sâu sắc đến như vậy. 
Tóm lại, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là sự phân thân của con người thơ Nguyễn 
Trãi trong suốt hành trình đơn độc làm quan - làm dân. Ở đó vừa có con người hành đạo suốt 
đời thực hiện bổn phận, lý tưởng trung hiếu; đồng thời vừa có con người cá nhân luôn ưu tư, 
buồn bã về cuộc đời, về thế thái nhân tình. Chính sự phân thân này đã làm nên thành công cho 
Quốc âm thi tập và mở ra những chân trời mới cho thơ Nôm Đường luật các giai đoạn sau đi 
vào biểu hiện cái tôi nội cảm. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1]. Đào Duy Anh,Trần Văn Giáp, Văn Tân (Dịch, phiên âm, chú giải) (1976), Nguyễn Trãi toàn tập, 
Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. Những trích dẫn về thơ Nguyễn Trãi, chúng tôi đều lấy từ tác phẩm 
này. 
[2]. Nguyễn Phạm Hùng (2001), Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XX, Nxb Đại học quốc gia, Hà 
Nội. 
[3]. Đinh Gia Khánh (Chủ biên) (1998), Văn học Việt Nam thế kỉ X- nửa đầu thế kỉ XVIII (tái bản lần thứ 
ba), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 
[4]. Nhiều tác giả (1980), Nguyễn Trãi khí phách và tinh hoa dân tộc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 
[5]. Nguyễn Hữu Sơn (Chủ biên) (1998), Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, Nxb Giáo 
dục, Hà Nội. 
[6]. Đỗ Lai Thúy (2015), Hé gương cho người đọc, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 
Những nẻo đường phân thân trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi 
30 
PATHS OF DOUBLE LIFE IN QUOC AM THI TAP 
Ha Ngoc Hoa 
Department of Literature and Linguistics, Hue University College of Sciences 
Email: hangochoa@gmail.com 
ABSTRACT 
Quoc am thi tap – A collection of poems reflects the man of Nguyễn Trãi ontaining a 
variety of his mood levels in the years of doing mandarin and living his life of recluse. To 
get more the information about Nguyễn Trãi, this article focuses on analyzing two types of 
man in this collection: a man practising his morality along with worshipping his ideal 
loyalty and an individual, secluded one facing the storm of life. 
Keywords: A man practising his morality, an individual, Nguyen Trai, Quoc am thi tap. 

File đính kèm:

  • pdfnhung_neo_duong_phan_than_trong_quoc_am_thi_tap_cua_nguyen_t.pdf