Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nam Bộ và sự giao lưu, tiếp biến trong các quan hệ tộc người

Văn hóa vùng Tây Nam Bộ là bộ phận hợp thành văn hóa dân tộc. Nó là cốt cách, tâm hồn, lý trí,

tình cảm, sức mạnh và là chất keo kết nối các cộng đồng cư dân vùng đồng bằng sông nước. Các

cộng đồng cư dân này đã gắn bó, đoàn kết với nhau suốt hơn ba thế kỷ qua để cùng tồn tại và phát

triển. Trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, tuy có sự giao thoa và tiếp biến của nhiều

vùng văn hóa khác nhau, theo đó văn hóa vùng Tây Nam Bộ nói chung, văn hóa cộng đồng, văn hóa

gia đình nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng, từ đó biến đổi theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, nhưng

nét đặc trưng văn hóa sông nước - văn hóa miệt vườn và văn hóa dung hợp của nhiều tộc người vẫn

không bị mất đi, trái lại, còn được bổ sung, phát triển để ngày càng hoàn thiện và sâu sắc.

Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nam Bộ và sự giao lưu, tiếp biến trong các quan hệ tộc người trang 1

Trang 1

Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nam Bộ và sự giao lưu, tiếp biến trong các quan hệ tộc người trang 2

Trang 2

Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nam Bộ và sự giao lưu, tiếp biến trong các quan hệ tộc người trang 3

Trang 3

Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nam Bộ và sự giao lưu, tiếp biến trong các quan hệ tộc người trang 4

Trang 4

Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nam Bộ và sự giao lưu, tiếp biến trong các quan hệ tộc người trang 5

Trang 5

pdf 5 trang viethung 10400
Bạn đang xem tài liệu "Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nam Bộ và sự giao lưu, tiếp biến trong các quan hệ tộc người", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nam Bộ và sự giao lưu, tiếp biến trong các quan hệ tộc người

Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nam Bộ và sự giao lưu, tiếp biến trong các quan hệ tộc người
Số 21 - Tháng 9 - 201734
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
1. Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nam Bộ
Tây Nam Bộ hay còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay gồm 13 tỉnh và thành phố, chiếm hơn 18% 
dân số và 21% diện tích của cả nước. Nơi đây 
trước kia là vùng đất mới nổi, hoang vắng, 
trũng thấp, rất nhiều đầm lầy, kênh rạch chằng 
chịt, sông ngòi dày đặc, nhiều phù sa do dòng 
sông Mê Kông cung cấp. Chính nhờ vậy, đồng 
ruộng nơi đây màu mỡ, cây trái tốt tươi, trĩu 
quả. Và cũng chính đặc điểm tự nhiên này đã 
hình thành nên văn hóa sông nước - văn hóa 
miệt vườn.
ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA VÙNG TÂY NAM BỘ VÀ SỰ GIAO LƯU, 
TIẾP BIẾN TRONG CÁC QUAN HỆ TỘC NGƯỜI
NGUYỄN VĂN CHUỘNG
Tóm tắt 
Văn hóa vùng Tây Nam Bộ là bộ phận hợp thành văn hóa dân tộc. Nó là cốt cách, tâm hồn, lý trí, 
tình cảm, sức mạnh và là chất keo kết nối các cộng đồng cư dân vùng đồng bằng sông nước. Các 
cộng đồng cư dân này đã gắn bó, đoàn kết với nhau suốt hơn ba thế kỷ qua để cùng tồn tại và phát 
triển. Trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, tuy có sự giao thoa và tiếp biến của nhiều 
vùng văn hóa khác nhau, theo đó văn hóa vùng Tây Nam Bộ nói chung, văn hóa cộng đồng, văn hóa 
gia đình nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng, từ đó biến đổi theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, nhưng 
nét đặc trưng văn hóa sông nước - văn hóa miệt vườn và văn hóa dung hợp của nhiều tộc người vẫn 
không bị mất đi, trái lại, còn được bổ sung, phát triển để ngày càng hoàn thiện và sâu sắc.
Từ khóa: Văn hóa vùng Tây Nam Bộ, giao lưu, tiếp biến 
Abstract
The South West culture is a component of national culture. It is the core, the soul, the rational, the 
emotional, the strength and the glue that connects the communities of the delta. These communities 
have been sticking together for more than three centuries to co-exist and develop. In the process of 
national renovation and international integration, despite the interference and continuity of different 
cultural areas, the South West culture in general and community culture, family culture in particular 
have been under influence so that they have been changed both in the positive and the negative trends. 
However, the cultural characteristics of the water area - the culture of the garden and the culture of the 
various races have not been lost, they are developed and adjusted to be more complete and deep.
Keywords: South West culture, exchange, change
35Số 21 - Tháng 9 - 2017
VĂN HÓA DÂN GIAN - TRUYỀN THỐNG
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
Người dân Nam Bộ nói chung, Tây Nam Bộ 
nói riêng chủ yếu là dân di cư từ miền Bắc, miền 
Trung, thậm chí cả người Hoa đến đây khai phá 
đất hoang, sinh cơ lập nghiệp. Đến với vùng 
đất Nam Bộ để khai hoang lập ấp, người Việt 
cũng theo truyền thống để tổ chức quần cư 
thành làng, ấp. Tuy nhiên, về nội dung và hình 
thức tổ chức, làng, ấp của người Việt Nam Bộ 
có nhiều điểm khác biệt với làng quê ở đồng 
bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Về nội dung, làng, 
ấp của người Việt ở Nam Bộ là một tập hợp cư 
dân đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhiều 
họ tộc khác nhau, gắn bó với nhau không phải 
do quan hệ dòng họ mà chủ yếu là do quan 
hệ láng giềng. Tập hợp cư dân của mỗi làng, 
ấp cũng thường xuyên biến động hơn, kẻ đến 
người đi đổi chỗ cho nhau, nên không có sự 
phân biệt đáng kể giữa dân chính cư với dân 
ngụ cư. Về hình thức tổ chức, để tiện cho việc 
đi lại, làng, ấp ở Nam Bộ thường hình thành 
dọc theo kinh rạch hoặc trục lộ, không có luỹ 
tre làng đóng kín. Do đó, tính cố kết cộng đồng 
của làng, ấp Nam Bộ lỏng lẻo hơn làng quê ở 
đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ.
Dân cư vùng Tây Nam Bộ gồm người Việt, 
Khmer, Hoa, Chăm, trong đó có người theo 
đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo 
Hoà Hảo, đạo Hồi, Đặc biệt, ở Nam Bộ còn 
xuất hiện thêm những phong trào tôn giáo 
cứu thế, những nhà tiên tri, những ông đạo, 
như: đạo Dừa, đạo Ngồi, đạo Nằm, đạo Câm, 
Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, và 
cả những người không theo tôn giáo nào. Do 
vậy, Tây Nam Bộ là vùng đa tộc người, đa tôn 
giáo nhưng lại kết cấu trên cơ sở tinh thần bao 
dung, hoà hợp, đồng nguyên. Có thể nói, Tây 
Nam Bộ là vùng văn hóa dung hợp của nhiều 
tộc người, trong đó văn hoá Việt là nền tảng, 
chi phối, ảnh hưởng lớn nhất.
Có thể nói, văn hóa vùng Tây Nam Bộ 
(Đồng bằng sông Cửu Long) là sản phẩm tổng 
hợp của ba nhân tố chính: Truyền thống văn 
hóa dân tộc, sự tiếp biến văn hóa, bối cảnh tự 
nhiên - xã hội Tây Nam Bộ. Ba nhân tố này tạo 
thành một hệ tọa độ, hình thành hai đặc trưng 
văn hoá cơ bản của vùng Tây Nam Bộ là: Đặc 
trưng đồng bằng sông nước (văn hóa sông nước, 
văn hóa miệt vườn) và sự tiếp biến các yếu tố văn 
hoá của người Chăm, người Khmer, người Hoa 
vào văn hoá Việt trong vùng (văn hóa dung hợp 
hay hỗn dung văn hóa). Xét về mức độ, hai yếu 
tố này là hai nét nổi trội của văn hoá vùng Tây 
Nam Bộ, bởi vì, yếu tố sông nước, thực ra, cũng 
có mặt trong các vùng văn hoá đồng bằng Bắc 
Bộ và Trung Bộ, nhưng chỉ ở Đồng bằng sông 
Cửu Long mới nổi lên thành một đặc trưng chủ 
đạo, chi phối toàn diện cuộc sống cũng như 
các thành tố văn hoá khác của các cộng đồng 
dân cư. Và mặc dù các vùng văn hoá đồng 
bằng ở Bắc Bộ và Trung Bộ cũng đều có sự tiếp 
biến văn hoá của các tộc người khác nhau, 
nhưng chỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long, nét 
văn hoá các tộc người thiểu số cộng cư mới đủ 
sức giao thoa với văn hoá của cư dân Việt trong 
vùng đến mức làm cho nó trở nên vừa quen 
thuộc vừa mới lạ đối với chính người Việt đến 
từ miền Bắc, miền Trung.
Về đặc trưng văn hóa sông nước - văn hóa 
miệt vườn: Tây Nam Bộ là vùng đất trũng thấp, 
có nhiều kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, 
cùng với nó là những chiếc ghe, chiếc xuồng. 
Hình ảnh này gắn liền với đời sống hằng ngày 
của người dân nơi đây. Có thể nói chiếc ghe, 
chiếc xuồng là phương tiện để truyền tải văn 
hóa dân gian đi khắp nơi. Trải qua quá trình 
phát triển, hình ảnh đó ngày càng được tôn 
vinh, gìn giữ, tạo nên sắc thái văn hóa riêng, 
đặc sắc của vùng sông nước. Chính vì thế, Chu 
Xuân Diên mới có nhận định “Cũng thuộc nền 
văn minh lúa nước nhưng Nam Bộ còn là xứ sở 
của văn minh kênh rạch với những biểu hiện rất 
phong phú trong phương thức canh tác, trong 
nhịp điệu làm ăn, trong giao thông, trong tín 
Số 21 - Tháng 9 - 201736
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
ngưỡng, phong tục tập quán, trong ngôn ngữ 
và văn học nghệ thuật” (1, tr.171-172). 
Có thể nói thêm rằng, ở vùng sông nước, 
do kênh rạch chằng chịt nên con người đi lại, 
chuyên chở chủ yếu bằng ghe, xuồng, chèo 
chống theo con nước, tiện đâu đi đó, không 
đi về theo một lối. Vả lại, làng ở vùng sông 
nước Cửu Long là nơi con người tứ phương 
tụ lại nên không khép mình trong một không 
gian chung đụng; thay vào đó, mỗi người có 
thể chọn cho mình một mảnh đất riêng bên 
hàng dừa, trong rặng trâm bầu, dưới tán mù 
u, hay cây giá, cây đước, cây bần, v.v nhưng 
vẫn giữ được quan hệ chòm xóm. Chính vì thế, 
người dân lập vườn, định cư, ban đầu thường 
chọn hai bên bờ kênh, rạch, sau đó tiến dần 
đến những trục lộ giao thông. Sở dĩ có sự lựa 
chọn hai bên bờ sông, kênh, rạch để lập vườn 
sinh sống như thế là vì phương tiện giao thông 
bằng ghe, xuồng rất thuận tiện và dễ mua sắm, 
thậm chí họ làm nhà trên ghe, xuồng. Hơn nữa, 
ở cạnh sông, rạch, nguồn cá, tôm sẵn có, tiện 
cho việc tìm thức ăn, sinh hoạt tắm giặt và nấu 
nướng. Có thể nói, miệt vườn là tiêu chuẩn mơ 
ước của nhiều người dân nơi đây. Theo Sơn 
Nam, “Miệt vườn là nơi sông nước chảy (thông 
lưu quán khái), hợp vệ sinh, nhiều phù sa, giao 
thông dễ dàng. Vì vậy mà con người không có 
óc địa phương, cực đoan. Phù sa ở lại, rác rến 
trôi” (3, tr. 339).
Về đặc trưng văn hóa dung hợp (hỗn dung 
văn hóa): Vùng Tây Nam Bộ là nơi cư dân “tứ xứ” 
về sinh sống nên có nhiều tộc người, nhiều tôn 
giáo (thậm chí có tộc người, tôn giáo chỉ hiện 
hữu ở nơi đây mà không ở các vùng khác như 
tộc Khmer, đạo Cao Đài, Hòa Hảo). Do nhiều 
phong tục, tập quán và tín ngưỡng khác nhau 
cùng tồn tại nên Tây Nam Bộ là vùng giao thoa, 
tiếp biến văn hóa rất lớn, tạo thành đặc trưng 
văn hóa dung hợp. Theo Chu Xuân Diên, ở Nam 
Bộ “quá trình giao lưu văn hóa mau lẹ, dẫn đến 
những hiện tượng hỗn dung văn hóa phức tạp, 
thậm chí có tính chất pha tạp. Nguyên nhân 
là bản thân các lớp cư dân người Việt cũng có 
tính chất là những người tứ xứ, họ đến vùng 
đất mới với một tinh thần phóng khoáng, cởi 
mở, nên dễ dung hòa, dễ tiếp nhận những yếu 
tố văn hóa khác” (1, tr.172). Chính đặc trưng 
văn hóa vùng Tây Nam Bộ làm cho con người 
nơi đây sống rất nghĩa khí, hòa hiệp, bao dung, 
năng động, sáng tạo, cởi mở, phóng khoáng, 
lạc quan, yêu đời, rất quý trọng tình nghĩa và 
mến khách. 
2. Sự giao lưu và tiếp biến văn hoá vùng Tây 
Nam Bộ 
Không gian văn hoá vùng Tây Nam Bộ là 
phần mở rộng của không gian văn hoá Việt 
Nam trên một vùng đất mới mà ở đó, chung 
tay khai phá với người Việt còn có các tộc 
người bản địa và các tộc người đến từ nơi khác. 
Vì vậy, trên vùng đất này, ngay từ đầu, văn hoá 
của cư dân Việt, mà trong đó đã có sẵn yếu tố 
Chăm, đã giao lưu mật thiết với văn hoá của 
các cư dân Khmer, Hoa. Trong suốt một thời 
gian dài, vùng đất này lại chịu ảnh hưởng của 
văn hoá Pháp rồi tiếp đó là văn hoá Mỹ. Từ năm 
1975 đến nay, do điều kiện cuộc sống thay đổi, 
nơi đây cũng trở thành một địa bàn biến động 
mạnh mẽ về thành phần tộc người, không 
kém vùng miền Đông và Tây Nguyên. Vì vậy, 
Tây Nam Bộ cũng là một vùng đất mà giao lưu, 
tiếp biến văn hoá đã và đang diễn ra với tốc độ 
rất nhanh. Điểm khác biệt là hầu như không có 
một nền nếp, lối sống văn hoá nào đến nơi đây 
mà còn giữ nguyên chất thuần Việt, nó luôn có 
bóng dáng của những nền văn hoá khác đan 
xen, hội tụ, hòa quyện vào nhau trong hơn ba 
thế kỷ qua. Chính vì thế, có thể nói, giao thoa 
văn hoá chính là một trong những điểm khác 
biệt, nổi trội, là bản sắc của văn hoá Tây Nam 
Bộ. Điều đó làm cho văn hoá Tây Nam Bộ vừa 
tương đồng lại vừa khác biệt với cội nguồn 
của nó là văn hoá Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ 
và Trung Bộ. Tuy nhiên, nói như thế không có 
37Số 21 - Tháng 9 - 2017
VĂN HÓA DÂN GIAN - TRUYỀN THỐNG
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
nghĩa là văn hoá Tây Nam Bộ chỉ là con số cộng 
các luồng văn hoá đã hội tụ vì trong quá trình 
giao thoa văn hoá, cư dân Việt nơi đây không 
tiếp thu nguyên vẹn các nền văn hoá khác mà 
chỉ chọn lọc những yếu tố phù hợp, đáp ứng 
các nhu cầu vật chất và tinh thần của mình để 
bổ sung vào hành trang văn hoá mang theo. 
Vì vậy, văn hoá Việt nơi đây không tự đánh 
mất mình mà chỉ tái tạo các giá trị văn hoá thu 
nạp được theo hướng làm cho nó thích ứng 
với nhu cầu của người Việt trên vùng đất mới. 
Chính vì lẽ đó mà có thể nói, sự tái tạo các giá 
trị văn hoá cũng là một trong những nét đặc sắc 
của văn hoá nơi đây.
Trong quá trình sinh sống và giao lưu văn 
hóa, do điều kiện môi trường tự nhiên và xã 
hội đặc thù (vùng đất mới, dân di cư, đa sắc 
tộc, đa tôn giáo) nên tất cả các nền văn hoá 
sinh tụ nơi đây đều buộc phải tự cấu trúc lại, 
lược bỏ những giá trị không còn phù hợp, phát 
triển hoặc sáng tạo những giá trị mới giúp cho 
các cộng đồng dân cư có thể cùng tồn tại và 
phát triển. Vì vậy, sự uyển chuyển, linh động, 
phóng khoáng, bao dung, dần dà đã trở thành 
nét bản sắc của văn hoá Việt ở Tây Nam Bộ.
3. Ảnh hưởng của quá trình đổi mới và hội 
nhập quốc tế đến phát triển văn hóa vùng 
Tây Nam Bộ hiện nay
3.1. Ảnh hưởng của quá trình đổi mới đất 
nước đến phát triển văn hóa vùng Tây Nam Bộ
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến 
nay, Đảng ta xác định đường lối phát triển kinh 
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự 
chuyển hướng chiến lược này là một khâu đột 
phá về mặt tư duy chính trị nhằm giải phóng 
lực lượng sản xuất và mọi tiềm năng của xã 
hội. Chủ trương đó đã khơi dậy và thúc đẩy 
khả năng sáng tạo của người lao động, nâng 
cao mức sống và chất lượng cuộc sống của 
mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có vùng Tây 
Nam Bộ. Theo đó, văn hóa Tây Nam Bộ nói 
chung, văn hóa cộng đồng và văn hóa gia đình 
nói riêng (từ nhận thức cho đến cách lao động 
sản xuất, tổ chức xã hội; cách ăn, mặc, ở, đi lại; 
cách vui chơi giải trí; tín ngưỡng, phong tục, lễ 
hội,) đều có nhiều biến đổi và phát triển. Sự 
chuyển biến rõ nét nhất là nền dân chủ trong 
xã hội và gia đình ngày càng phát triển, tạo cơ 
sở cho việc thiết lập các mối quan hệ xã hội 
và quan hệ giữa các thành viên trong gia đình 
ngày càng tiến bộ hơn. Nền nếp, lối sống gia 
đình truyền thống theo kiểu mệnh lệnh, áp 
đặt một chiều, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy 
đang từng bước được thay thế bằng phương 
pháp giáo dục hiện đại, mang tính dân chủ, cởi 
mở và bình đẳng hơn, tạo được sự đồng thuận 
và tiếng nói chung giữa các thành viên trong 
gia đình. 
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, mặt trái 
của nền kinh tế thị trường cùng với biết bao hệ 
lụy xã hội của nó đã và đang ảnh hưởng tiêu 
cực đến sự phát triển văn hóa vùng Tây Nam 
Bộ, nhất là văn hóa gia đình truyền thống. Sự 
canh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường 
khiến cho nhiều gia đình, vì cuộc sống phải 
bất chấp luân thường, đạo lý để làm giàu bất 
chính; tính cá nhân chủ nghĩa, vị kỷ theo đó 
cũng phát triển; mối quan hệ trong giao tiếp, 
sinh hoạt, học tập ngày càng bị thương mại 
hóa, dẫn đến con người lạnh lùng, vô cảm, 
nhất là lứa tuổi thanh niên, lứa tuổi học đường.
3.2. Ảnh hưởng của quá trình toàn cầu 
hóa và hội nhập quốc tế đến phát triển văn 
hóa vùng Tây Nam Bộ
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một xu 
thế tất yếu khách quan trong quá trình phát 
triển của nhân loại. Đây là một quá trình mở, 
với nhiều yếu tố tích cực, đồng thời cũng chứa 
đựng không ít những yếu tố tiêu cực. Nó đã và 
đang tác động mạnh mẽ, toàn diện đến mọi 
mặt của đời sống gia đình và xã hội Việt Nam. 
Cả nước nói chung, Tây Nam Bộ nói riêng, về cơ 
bản hiện nay vẫn giữ được giá trị văn hóa cộng 
Số 21 - Tháng 9 - 201738
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
đồng và văn hóa gia đình truyền thống, đồng 
thời tiếp thu những giá trị văn hóa, lối sống 
hiện đại như: sự dân chủ, bình đẳng trong xã 
hội; sự bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa cha 
mẹ và con cái trong gia đình; sự tôn trọng tự 
do cá nhân, tôn trọng quyền lựa chọn các giá 
trị văn hóa, đạo đức, lối sốngTuy nhiên, bên 
cạnh những tác động tích cực, toàn cầu hóa 
và hội nhập quốc tế đang đặt ra nhiều nguy 
cơ, thách thức cho chính quyền và các bậc 
làm cha, làm mẹ trong việc giáo dục lớp trẻ. 
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền 
thông, nhất là mạng Internet đánh dấu bước 
tiến lớn của nhân loại song cũng là điều kiện 
thuận lợi cho các sản phẩm văn hóa độc hại 
xâm nhập, làm thay đổi các giá trị văn hóa 
truyền thống của dân tộc, gây ra những bất ổn 
về mặt tâm lý và sự lệch lạc về nhân cách, lối 
sống của một bộ phận không nhỏ thanh niên 
hiện nay. 
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự giao 
lưu và tiếp biến văn hóa giữa các vùng miền 
rất mạnh mẽ. Các yếu tố văn hóa tích cực cũng 
như tiêu cực lan tỏa rất nhanh chóng. Văn hóa 
Tây Nam Bộ không nằm ngoài vòng xoáy đó. 
Song có điều, để mỗi cộng đồng cư dân Tây 
Nam Bộ không tự đánh mất văn hóa của mình 
mà qua giao lưu, còn bổ sung, phát triển thêm 
các giá trị văn hóa mới thì trước hết, các cơ 
quan hữu trách cần có chủ trương, giải pháp 
phát triển văn hóa, xây dựng con người phù 
hợp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 
trong tình hình mới. Đồng thời, mỗi tộc người 
ở vùng đất Tây Nam Bộ phải biết tự bảo vệ, 
phải có bản lĩnh “độc lập văn hóa”; mặt khác, 
phải biết lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mẫu 
số chung để xây dựng và phát triển văn hóa 
cho tộc người mình. Có như vậy, thì hội nhập 
mới thành công và đất nước mới phát triển 
bền vững.
N.V.C
(NCS, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)
Tài liệu tham khảo
1. Chu Xuân Diên (2002), Cơ sở văn hóa Việt 
Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí 
Minh.
2. Vũ Minh Giang (2014), Lược sử vùng đất 
Nam Bộ Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Sơn Nam (2006), Đình miếu và Lễ hội dân 
gian miền Nam, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
4. Phan Xuân Sơn và Chu Thị Thanh Huyền 
(2016), Vấn đề văn hóa trong bối cảnh hội nhập 
quốc tế, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 3.
5. Huỳnh Công Tín (2013), Đặc trưng văn hóa 
Nam Bộ qua phương ngữ, Nxb. Chính trị Quốc gia, 
Hà Nội.
 Ngày nhận bài: 15 - 6 - 2017
Ngày phản biện, đánh giá: 5 - 9 - 2017
Ngày chấp nhận đăng: 30 - 9 - 2017

File đính kèm:

  • pdfdac_trung_van_hoa_vung_tay_nam_bo_va_su_giao_luu_tiep_bien_t.pdf